Thông báo kêu gọi đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia thuộc Chương trình "Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030" được Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và công nghệ gửi tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên cả nước. Thời gian đề xuất hồ sơ trước ngày 15/3/2024.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đây là các nhiệm vụ cấp quốc gia, sử dụng ngân sách Nhà nước.
Theo đó các đề xuất được xem xét thực hiện cần phù hợp với mục tiêu tại Quyết định 1657 của Chính phủ ban hành năm 2021. Trong đó cần làm chủ công nghệ sản xuất vaccine sử dụng cho người; nâng cao trình độ năng lực của các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh mới phát sinh. Chính phủ cũng đặt mục tiêu phấn đấu 100% vaccine trong nước đạt tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm cho Chương trình tiêm chủng mở rộng và một số vaccine khác, từng bước đưa vaccine Việt Nam tham gia thị trường quốc tế.
Từ những năm 1960, bên cạnh việc tiếp nhận vaccine từ các nước, Việt Nam đã nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến để trực tiếp triển khai sản xuất. Từ năm 2015, Việt Nam là một trong gần 40 nước nhận được Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận đủ điều kiện xuất khẩu vaccine ra thế giới.
Đến nay, Việt Nam đã sản xuất được 11 loại mũi tiêm được đưa vào sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Có 3 vaccine được xuất khẩu, gồm viêm não Nhật Bản, sởi và Tả lợn châu Phi. Trong số này Việt Nam là quốc gia đầu tiên thương mại hóa thành công vaccine Tả lợn châu Phi.
Bảo Chi