Biến động thủy khí hậu thúc đẩy cháy rừng ở Los Angeles

Hiện tượng biến động thủy khí hậu khiến thực vật ở Los Angeles phát triển mạnh, sau đó khô héo, trở thành nhiên liệu khô dồi dào và dễ cháy.


Nhóm nghiên cứu tại Đại học California Los Angeles phát hiện, các vụ cháy rừng đang hoành hành tại Los Angeles, bang California, trở nên dữ dội một phần do hiện tượng "biến động thủy khí hậu". Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí trực tuyến Nature Reviews Earth and Environment hôm 9/1.


Biến động thủy khí hậu là những biến động đột ngột, mạnh mẽ giữa thời tiết cực kỳ ẩm ướt và cực kỳ khô hạn. California trải qua nhiều trận mưa và tuyết kỷ lục vào các mùa đông 2022 - 2023 và 2023 - 2024. Lượng mưa lớn thúc đẩy thực vật phát triển mạnh. Nhưng đến hè năm ngoái, thảm thực vật này khô héo dưới nắng nóng kỷ lục và hạn hán kéo dài, trở thành nhiên liệu khô dễ cháy.


Nhiên liệu khô dồi dào kết hợp với gió Santa Ana cực mạnh, loại gió đông bắc ấm và khô thổi từ miền nam California tới ven biển, gây ra những đám cháy khốc liệt tại Los Angeles. Đến ngày 9/1, đám cháy lớn nhất là Pacific Palisades đã bao trùm diện tích hơn 70 km2, phá hủy hơn 300 ngôi nhà. Đám cháy Eaton lớn thứ hai cũng thiêu rụi diện tích khoảng 43 km2, phá hủy nhiều nhà cửa và khiến ít nhất 5 người chết.


Nghiên cứu mới cho thấy, biến động thủy khí hậu đã trở nên phổ biến hơn 31% - 66% trên toàn cầu kể từ giữa thế kỷ 20 do biến đổi khí hậu. Nguyên nhân chính là "miếng bọt biển khí quyển" mở rộng, vì nhiệt độ tăng cho phép khí quyển giữ và giải phóng nước nhiều hơn 7% với mỗi độ C ấm lên.


Đến cuối thế kỷ này, những biến động như vậy có thể tăng hơn gấp đôi nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 3 độ C. Các khu vực trên thế giới, từ California đến Trung Đông và Nam Á, dự kiến phải đối mặt với những chu kỳ ẩm ướt và khô hạn ngày càng tệ hơn.


"Chuỗi biến động thủy khí hậu ở California làm tăng nguy cơ cháy rừng lên gấp đôi. Đầu tiên, chúng khiến cỏ và cây bụi dễ cháy tăng trưởng mạnh trong những tháng trước mùa cháy, sau đó khiến cây cỏ khô héo trầm trọng với sự khô hạn và nắng nóng", chuyên gia Daniel Swain tại Đại học California Los Angeles, tác giả chính của nghiên cứu mới, cho biết.


"Biến động thủy khí hậu có thể còn tăng mạnh hơn nữa trong tương lai. Chúng ta thực sự cần tính đến điều này trong những đánh giá rủi ro và hoạt động thích ứng", Swain nói thêm.


Hiện còn quá sớm để xác định nguyên nhân chính xác của các vụ cháy rừng ở Los Angeles. Tuy nhiên, với điều kiện dễ cháy do biến động thủy khí hậu, việc những vụ cháy này trở nên dữ dội không gây ngạc nhiên. Khi California và nhiều khu vực khác trên thế giới đối mặt với tần suất ngày càng tăng của biến động thủy khí hậu, việc lập kế hoạch chủ động - chuẩn bị cho giai đoạn khô hạn từ lúc đang trong giai đoạn ẩm ướt và ngược lại - vô cùng quan trọng để giảm thiểu thảm họa trong tương lai.


Thu Thảo (Theo Newsweek)









Bien dong thuy khi hau thuc day chay rung o Los Angeles


Hien tuong bien dong thuy khi hau khien thuc vat o Los Angeles phat trien manh, sau do kho heo, tro thanh nhien lieu kho doi dao va de chay.

Biến động thủy khí hậu thúc đẩy cháy rừng ở Los Angeles

Hiện tượng biến động thủy khí hậu khiến thực vật ở Los Angeles phát triển mạnh, sau đó khô héo, trở thành nhiên liệu khô dồi dào và dễ cháy.
Biến động thủy khí hậu thúc đẩy cháy rừng ở Los Angeles
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: