Nghị quyết 57 tạo bước ngoặt để Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên số

Theo chuyên gia Đào Trung Thành, Nghị quyết 57 giúp Việt Nam không chỉ bắt kịp, mà còn có thể vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở khu vực Đông Nam Á, thậm chí xa hơn.


Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết đặt mục tiêu Việt Nam phải từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).


VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trung Thành, chuyên gia tư vấn chiến lược về công nghệ thông tin và AI, về những tác động mà Nghị quyết 57 sẽ mang đến cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam những năm tới.


Theo ông, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 thể hiện thông điệp gì về chiến lược phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?


Chuyên gia Đào Trung Thành: Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 không chỉ là một sự kiện chính trị quan trọng, mà còn là lời khẳng định quyết tâm chiến lược của Việt Nam trong kỷ nguyên số.


Từ góc độ là người tư vấn chiến lược về công nghệ thông tin và AI, tôi nhận thấy, Nghị quyết 57 là "kim chỉ nam" nhấn mạnh vai trò trung tâm của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.



Dao Trung Thanh
Ông Đào Trung Thành, chuyên gia tư vấn chiến lược về công nghệ thông tin và AI. Ảnh: NVCC

Nghị quyết 57 chuyển tư duy chiến lược từ việc ứng dụng và làm chủ công nghệ sang xây dựng năng lực sáng tạo đột phá, đặc biệt trong AI, Big Data và công nghệ bán dẫn. Việc này không chỉ thể hiện tầm nhìn dài hạn mà còn tạo áp lực đối với cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và xã hội, trong việc đầu tư mạnh mẽ hơn vào hạ tầng số, nhân lực chất lượng cao và mô hình quản trị tiên tiến. Tôi tin rằng, Nghị quyết 57 không chỉ giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng công nghệ quốc tế, mà còn sẵn sàng dẫn đầu trong khu vực về chuyển đổi số và năng lực số.


Ông đánh giá việc ban hành Nghị quyết 57 vào thời điểm hiện tại có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển lâu dài của đất nước?


Việc ban hành Nghị quyết 57 vào thời điểm hiện tại mang tính chiến lược quan trọng, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc bắt nhịp và tận dụng những cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quyết định này ra đời trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ quốc tế gia tăng, đặc biệt với các công nghệ chiến lược như AI, Big Data và IoT. Nếu không bắt kịp lúc này, Việt Nam dễ bị tụt hậu trong chuỗi giá trị toàn cầu.


Nghị quyết 57 còn là lời kêu gọi hành động, nhấn mạnh việc xây dựng nền tảng công nghệ gồm hạ tầng số, nhân lực và chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế...


Với tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 57 vạch ra lộ trình rõ ràng để Việt Nam không chỉ bắt kịp xu hướng công nghệ mà còn có khả năng dẫn đầu trong một số lĩnh vực. Trong đó, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa giúp đạt được sự thịnh vượng bền vững.


Theo ông, Nghị quyết 57 có thể tạo ra bước ngoặt giúp Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới?


Tôi tin rằng, Nghị quyết 57 hoàn toàn có thể tạo ra bước ngoặt giúp Việt Nam "vươn mình" trong kỷ nguyên số, với điều kiện triển khai đồng bộ, quyết liệt và sáng tạo.


Nghị quyết 57 đã tạo nền móng cho đột phá về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Với trọng tâm là AI, Big Data và công nghệ bán dẫn, Việt Nam không chỉ bắt kịp xu hướng quốc tế mà còn đặt khát vọng dẫn đầu.


Sự kết hợp ba trụ cột khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tạo nên cuộc cách mạng trong quản trị và vận hành. Khi triển khai thành công, Việt Nam không chỉ theo kịp mà có thể vươn lên trong khu vực.


Các mục tiêu như top 50 toàn cầu về hạ tầng số, kinh tế số và thậm chí top 30 tỷ trọng kinh tế số/GDP vào năm 2030 đòi hỏi cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và xã hội phải phối hợp quyết liệt.


AI-Tri-tue-nhan-tao-Make-in-vietnam
Các chuyên gia kết nối, trao đổi tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024. Ảnh: TĐ

Nghị quyết nêu mục tiêu Việt Nam phải từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển trí tuệ nhân tạo. Điều này sẽ tác động thế nào tới sự phát triển, ứng dụng AI tại Việt Nam?


Việc Nghị quyết 57 xác định trí tuệ nhân tạo là một công nghệ chiến lược cần ưu tiên đầu tư, sẽ mang lại những tác động sâu rộng đến sự phát triển và ứng dụng AI tại Việt Nam.


Sự chú trọng này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu và phát triển AI, từ các công nghệ cốt lõi như học máy (machine learning), xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) đến các giải pháp cụ thể trong thị giác máy tính (computer vision).


Hạ tầng AI, bao gồm trung tâm dữ liệu, siêu máy tính và các phòng thí nghiệm chuyên sâu sẽ được xây dựng và nâng cấp, tạo điều kiện cho các tổ chức và doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển các sản phẩm "Make in Vietnam".


Nghị quyết 57 sẽ giúp định hình hệ sinh thái AI nội địa, nơi các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp công nghệ hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo. Sự phát triển đồng bộ này không chỉ thu hút tài năng trong và ngoài nước mà còn thúc đẩy các startup AI trong nước phát triển mạnh mẽ hơn, đưa Việt Nam tiến xa hơn trên bản đồ công nghệ toàn cầu.


Nghị quyết 57 còn tạo điều kiện để Việt Nam chuyển đổi vai trò từ người sử dụng sang người sáng tạo trong lĩnh vực AI. Việc làm chủ các công nghệ AI cốt lõi sẽ giúp Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa, mà còn xuất khẩu các giải pháp công nghệ cao, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.


AI sẽ trở thành động lực chính cho quá trình chuyển đổi số toàn diện, từ số hóa dịch vụ công, tối ưu hóa hoạt động quản lý nhà nước đến cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục và giao thông. Những ứng dụng AI này sẽ nâng cao hiệu suất và hiệu quả, đồng thời cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân.


Hơn nữa, việc làm chủ công nghệ AI sẽ giúp Việt Nam gia tăng năng lực cạnh tranh quốc tế, đặc biệt trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, đưa đất nước trở thành trung tâm công nghệ AI của khu vực Đông Nam Á.


Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần tập trung vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các chương trình giáo dục, hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ. Chúng ta cũng cần hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu và thúc đẩy sáng tạo. Với những bước đi này, AI sẽ không chỉ là công cụ mà sẽ trở thành yếu tố quan trọng giúp Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên số.



NIC STEM nhan luc so ky nang so 4.jpg
Gian hàng trưng bày sản phẩm Make in Vietnam tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024. Ảnh: TĐ

Theo ông, Việt Nam cần làm gì để sớm làm chủ, bắt kịp, tiến cùng thế giới về trí tuệ nhân tạo?


Để Việt Nam sớm làm chủ, bắt kịp và tiến cùng thế giới về trí tuệ nhân tạo, cần thực hiện một chiến lược đồng bộ, tập trung vào những nguyên tắc đã được nêu trong Nghị quyết 57 và chú trọng các nội dung dưới đây:


Một là, cần tập trung xây dựng hạ tầng số đồng bộ, bao gồm mạng viễn thông thế hệ mới, trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế và nền tảng định danh điện tử thống nhất. Đây là nền tảng để triển khai các ứng dụng AI trên quy mô lớn và đảm bảo an ninh mạng cũng như chủ quyền dữ liệu quốc gia.


Hai là, nguồn nhân lực là yếu tố then chốt. Việt Nam cần nâng cao chất lượng đào tạo thông qua hợp tác giữa các trường đại học, doanh nghiệp và viện nghiên cứu, đồng thời thúc đẩy các chương trình đào tạo thực chiến về AI. Ngoài ra, cần có chính sách thu hút nhân tài từ trong và ngoài nước, tạo môi trường làm việc hấp dẫn và tự chủ khoa học để kích thích sự đổi mới sáng tạo.


Ba là, cần ưu tiên phát triển các công nghệ AI cốt lõi và liên ngành như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, học máy và thị giác máy tính. Đây là những lĩnh vực có khả năng ứng dụng rộng rãi và tạo đột phá trong nhiều ngành công nghiệp.


Bốn là, cần triển khai cơ chế thí điểm (sandbox) để thử nghiệm các ý tưởng và công nghệ mới. Nếu hiệu quả, có thể mở rộng. Nếu không, phải điều chỉnh kịp thời để tránh lãng phí nguồn lực.


Năm là, Việt Nam cần huy động sức mạnh từ khu vực tư nhân. Các doanh nghiệp công nghệ cần được tạo điều kiện tham gia sâu rộng vào các lĩnh vực trọng yếu như y tế, giáo dục và quốc phòng, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo và biến các ý tưởng AI thành sản phẩm, dịch vụ cụ thể phục vụ xã hội.


Với chiến lược rõ ràng, cùng sự đồng lòng từ Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội, tôi tin rằng Việt Nam không chỉ bắt kịp, mà còn có thể vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở khu vực Đông Nam Á và xa hơn.


Cảm ơn ông!









Nghi quyet 57 tao buoc ngoat de Viet Nam vuon minh trong ky nguyen so


Theo chuyen gia Dao Trung Thanh, Nghi quyet 57 giup Viet Nam khong chi bat kip, ma con co the vuon len dan dau trong linh vuc tri tue nhan tao o khu vuc Dong Nam A, tham chi xa hon.

Nghị quyết 57 tạo bước ngoặt để Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên số

Theo chuyên gia Đào Trung Thành, Nghị quyết 57 giúp Việt Nam không chỉ bắt kịp, mà còn có thể vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở khu vực Đông Nam Á, thậm chí xa hơn.
Nghị quyết 57 tạo bước ngoặt để Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên số
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: