Đưa đổi mới sáng tạo thành lối sống, phong cách sống của mọi người dân, tổ chức

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò quan trọng của tinh thần đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong toàn dân, đưa ĐMST trở thành lối sống, phong cách sống của mọi người, mọi tổ chức.


Ngày 21/4, tại Hà Nội, Bộ KH&CN tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2025. Đây là năm thứ 4 Bộ KH&CN tổ chức hoạt động này. Sự kiện có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng; cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành, tổ chức trong nước và quốc tế.


W-PSX_20250421_163443.jpg
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2025, chiều 21/4. Ảnh: Lê Anh Dũng

Liên Hợp Quốc chọn ngày 21/4 hằng năm làm Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo (ĐMST) thế giới (The World Creativity and Innovation Day) nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã hội bền vững và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người.


Chủ đề năm nay là “Đổi mới sáng tạo - Nghĩ khác, Làm khác để tốt hơn”; “Đổi mới sáng tạo - Doanh nghiệp tiên phong - Quốc gia thịnh vượng”; “Đổi mới sáng tạo toàn dân - Chuyển đổi số toàn diện - Vì cuộc sống tốt đẹp hơn”.


Việt Nam nuôi dưỡng nền văn hóa ĐMST toàn dân


Làm rõ những khác biệt về nội hàm của hai khái niệm “đổi mới” và “sáng tạo”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Liên Hợp Quốc nhấn mạnh cả “sáng tạo” và “đổi mới” nhằm tôn vinh người nghĩ ra ý tưởng và người hiện thực hóa thành những thay đổi trong thực tế. Hai khái niệm không chỉ dành riêng cho giới khoa học, nghiên cứu, mà cho toàn dân, mọi lĩnh vực, mọi quốc gia.


W-PSX_20250421_163916.jpg
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng làm rõ vai trò của ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ngày Sáng tạo và Đổi mới toàn cầu cũng là Ngày Văn hóa ĐMST Việt Nam, tôn vinh ý tưởng của cả những người nông dân hay các em học sinh; khuyến khích tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới" trong toàn xã hội.


“Việt Nam không chỉ phát triển KHCN mà còn nuôi dưỡng một nền văn hóa ĐMST toàn dân. Khơi dậy tinh thần sáng tạo toàn dân trong kỷ nguyên số, mở rộng ĐMST ra ngoài phòng thí nghiệm tới doanh nghiệp, trường học, công sở, cộng đồng và địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu.


Bộ trưởng cũng chỉ ra, xây dựng văn hoá ĐMST toàn dân là cốt lõi tạo nên thành công của công cuộc đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS của Việt Nam mà Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát động. Xây dựng văn hóa ĐMST phải bắt đầu từ nhà trường, từ phổ thông đến các trường đại học.


W-PSX_20250421_162811.jpg
W-PSX_20250421_162729.jpg
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng tham quan các gian triển lãm trong khuôn khổ Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2025. Ảnh: Lê Anh Dũng

Dẫn ví dụ về Phần Lan - một quốc gia đổi mới thầm lặng, người đứng đầu Bộ KH&CN nói đổi mới sáng tạo không cần phải “đao to búa lớn”. Xã hội ĐMST Phần Lan mang tính toàn dân, trong đó, “cải tiến nhỏ từ 5 triệu người dân còn giá trị hơn phát minh từ 500 nhà khoa học, nói theo cách này thì cải tiến nhỏ từ 100 triệu người Việt Nam sẽ không kém gì từ 10.000 nhà khoa học”.


Tinh thần ĐMST toàn dân, đưa ĐMST trở thành lối sống, phong cách sống của mọi người dân, mọi tổ chức cũng là một nội dung quan trọng của Đề án Quốc gia khởi nghiệp mà Bộ KH&CN đang soạn thảo theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Để làm được điều đó, phải đặt ĐMST trong ngữ cảnh CĐS quốc gia, chuyển đổi số toàn diện, số hóa toàn bộ thế giới thực và đưa mọi hoạt động lên môi trường số.


Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, ĐMST sẽ đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế. Làm chủ công nghệ lõi còn khó nhưng việc ứng dụng sáng tạo công nghệ lõi vào giải các bài toán Việt Nam hoàn toàn khả thi.


Phong trào toàn dân - trụ cột trong chiến lược ĐMST quốc gia


Theo bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú và các Trưởng đại diện các tổ chức của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, nền kinh tế số Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Đông Nam Á. Gần như mọi người dân đều được phủ sóng băng thông rộng, trong khi 5G phát triển nhanh chóng. Dù vậy, vẫn còn có những khoảng cách số giữa khu vực nông thôn – thành thị, giữa nam và nữ...


W-PSX_20250421_162934.jpg
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú và các Trưởng đại diện các tổ chức của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đại diện Liên Hợp Quốc cho rằng, để đổi mới mang tính bao trùm, các sinh viên sẽ đóng một vai trò quan trọng vì không chỉ là người sử dụng mà còn là nhà lãnh đạo kỹ thuật số; không chỉ tạo ra công nghệ mà còn xác định giá trị mà công nghệ đó phục vụ.


Ngoài ra, cần kiến tạo môi trường nơi các ý tưởng mới được khuyến khích, sự sáng tạo được tôn vinh và tư duy đổi mới được tích hợp vào các thực hành hằng ngày nhằm đảm bảo tinh thần đổi mới thấm nhuần mọi khía cạnh của cuộc sống.


W-PSX_20250421_163131.jpg
Ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng Giám đốc CNCTech chia sẻ ĐMST giúp công ty gia tăng cả về số lượng khách hàng lẫn doanh thu hằng năm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chia sẻ câu chuyện thực tế của doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng Giám đốc CNCTech – nói ĐMST xuất phát từ áp lực của khách hàng, thị trường. Công ty buộc phải đổi mới trong bối cảnh cần mở rộng thị trường từ nội địa ra quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của đối tác.


Ông Kiên cho rằng để triển khai hoạt động ĐMST hiệu quả, cần triển khai quyết liệt từ trên xuống, có nhân sự chuyên trách, tuyên truyền để mọi người trong tổ chức hiểu về ĐMST và có KPI cụ thể để đánh giá.


Trong khi đó, ông Võ Xuân Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC) khẳng định: “Khi đổi mới sáng tạo trở thành bản sắc, Việt Nam sẽ bứt phá trong kỷ nguyên số”. Theo ông, văn hóa ĐMST cần đến với từng người dân, doanh nghiệp để có thể phát triển hệ sinh thái ĐMST quốc gia toàn diện.


W-PSX_20250421_163240.jpg
Ông Võ Xuân Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm ĐMST quốc gia - đưa ra các kiến nghị để thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST tại Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đại diện NIC kiến nghị các cơ quan quản lý tập trung hoàn thiện thể chế, trong đó có dự Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo do Bộ KH&CN đang chủ trì, tăng cường khả năng tham gia của khu vực ngoài nhà nước trong phát triển văn hóa ĐMST; tiếp tục lan tỏa tinh thần ĐMST và vai trò của người ĐMST.


Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, phong trào toàn dân, từ kháng chiến đến đổi mới kinh tế, từ giáo dục đến CĐS là sức mạnh văn hoá - xã hội rất đặc trưng của Việt Nam và phải được xem là trụ cột trong chiến lược phát triển ĐMST quốc gia. Mỗi năm, chúng ta sẽ tổ chức Tuần lễ ĐMST, phát động phong trào "Mỗi người dân một ý tưởng cải tiến, mỗi cán bộ công viên chức đổi mới từ việc nhỏ nhất".









Dua doi moi sang tao thanh loi song, phong cach song cua moi nguoi dan, to chuc


Bo truong Bo KH&CN Nguyen Manh Hung nhan manh vai tro quan trong cua tinh than doi moi sang tao (DMST) trong toan dan, dua DMST tro thanh loi song, phong cach song cua moi nguoi, moi to chuc.

Đưa đổi mới sáng tạo thành lối sống, phong cách sống của mọi người dân, tổ chức

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò quan trọng của tinh thần đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong toàn dân, đưa ĐMST trở thành lối sống, phong cách sống của mọi người, mọi tổ chức.
Đưa đổi mới sáng tạo thành lối sống, phong cách sống của mọi người dân, tổ chức
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: