Tại hội thảo triển khai Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại Cần Thơ sáng 10/1, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt kêu gọi các nhà khoa học tìm kiếm giải pháp thiết thực để thực hiện mục tiêu Net Zero tại khu vực này. Theo Bộ trưởng, đây là vùng đất có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nhưng đang chịu tác động mạnh mẽ nhất từ biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các nhà khoa học tìm kiếm các giải pháp đột phá như công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ thông tin, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sụt lún đất diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân tại đồng bằng sông Cửu Long. Ông cho biết việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Cho rằng địa phương đã chủ động dựa trên khoa học công nghệ, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính bước ngoặt ứng phó với biến đổi khí hậu, song ông Hiển mong muốn nhận được sự vào cuộc quyết liệt từ các nhà khoa học, doanh nghiệp... Ông kiến nghị các bộ, ngành tạo cơ hội cho các nhà khoa học, viện, trường, tham gia vào các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ mang tính chiến lược nhằm hướng tới mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia (KC.16/24-30) còn gọi là Chương trình khoa học và công nghệ Net Zero được Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai phục vụ mục tiêu Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chương trình này song hành cùng các chương trình quốc gia hiện có, tập trung vào các giải pháp khoa học và công nghệ đột phá, đặc biệt là công nghệ xanh và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Chương trình đặt ra ba mục tiêu chính.Thứ nhất, khuyến khích các nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất hoàn thiện chính sách, tiêu chuẩn, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam.
Thứ hai, các nghiên cứu hướng đến đề xuất các mô hình và các giải pháp phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; phối hợp tổ chức quốc tế, nhà khoa học Việt ở nước ngoài đề xuất các giải pháp công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Thứ ba, các đề tài tập trung nghiên cứu ứng dụng, giải mã, chuyển giao công nghệ; các giải pháp và kỹ thuật tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực, góp phần quản lý, kiểm kê phục vụ giảm phát thải khí nhà kính, phát triển công nghệ xanh, năng lượng mới, vật liệu mới... Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thu hồi, tận dụng và lưu trữ carbon. Điều này góp phần giảm tiêu thụ, chuyển dịch và chuyển đổi năng lượng.
Bảo Chi