Các nhà khoa học phát hiện cá sóc (Oryzias latipes) đực, hay cá medaka, giao phối trung bình 19 lần mỗi ngày, thậm chí một số con đực có thể đạt tới 27 lần, Newsweek hôm 8/1 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí trực tuyến Royal Society Open Science.
Hành vi ghép cặp nhiều hơn thường được kỳ vọng giúp con đực tăng khả năng sinh sản, đồng nghĩa có nhiều hậu duệ hơn. Tuy nhiên, hành vi này cũng đòi hỏi nhiều năng lượng. Nghiên cứu mới cho thấy, cá sóc đực giảm dần số lượng tinh trùng trong mỗi lần giao phối, cuối cùng đạt đến giới hạn hàng ngày.
"Cá medaka thuộc nhóm cá đẻ trứng và quá trình thụ tinh diễn ra sau khi trứng và tinh trùng được phóng thích vào nước. Vì các giao tử này khó thu thập, số lượng tinh trùng và tỷ lệ thụ tinh trong các lần giao phối liên tiếp từng là một bí ẩn", đồng tác giả nghiên cứu Yuki Kondo, nhà khoa học tại Đại học Osaka Metropolitan, Nhật Bản, cho biết.
Nhóm của Kondo đã phát triển một phương pháp đo lường chính xác, giúp thực hiện thành công nghiên cứu mới. Cụ thể, trong ba lần giao phối đầu tiên, cá sóc giải phóng hơn 50% lượng tinh trùng hàng ngày. Tỷ lệ thụ tinh đạt gần 100% trong những lần đầu tiên, nhưng giảm đáng kể sau lần thứ 10, thậm chí một số trường hợp là 0%. Nỗ lực của cá đực trong việc tán tỉnh và thời gian ghép đôi cũng giảm dần trong ngày.
Trong khi đó, cá sóc cái đẻ trứng một lần mỗi ngày và giải phóng toàn bộ số trứng. Điều này đồng nghĩa, nhiều quả trứng sẽ bị lãng phí nếu chúng gặp phải gặp con đực đã ghép đôi nhiều lần trước đó.
Cá sóc đực và cái có thể đều chịu áp lực tiến hóa để tối ưu hóa chiến lược sinh sản. Với cá đực, chúng cần cân bằng số lần ghép đôi với chất lượng, trong khi cá cái cần chọn lọc bạn tình để đảm bảo tỷ lệ thành công cao.
Nghiên cứu mới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu các chiến lược sinh sản và phân bổ năng lượng ở động vật, hữu ích cho những chương trình bảo tồn và nhân giống. Bằng cách kiểm tra hành vi và khả năng ghép đôi của cá sóc, giới khoa học có thể hiểu rõ hơn cách chúng và những loài tương tự quản lý hoạt động sinh sản ngoài tự nhiên.
Thu Thảo (Theo Newsweek, Phys)