Con đường Tơ lụa nối liền những ngóc ngách xa xôi trên lục địa Á Âu không phải tuyến đường lớn duy nhất trong thế giới cổ đại. Ở châu Âu, một mạng lưới thông thương cổ xưa trải rộng từ biển Bắc tới biển Địa Trung Hải, giúp đáp ứng nhu cầu mua bán hổ phách vốn được ví như "vàng của phương bắc", theo IFL Science.
Giới nghiên cứu không thể xác định con đường hổ phách xuất hiện từ khi nào. Con người đã thu thập hổ phách từ bờ biển Baltic trong hơn 13.000 năm, dù bằng chứng về hoạt động buôn bán hổ phách đường dài xuất hiện vào khoảng năm 3.000 trước Công nguyên. Việc buôn bán hổ phách có tổ chức phát triển cách đây 3.500 năm.
Giống như Con đường Tơ lụa, đây không phải là con đường đơn lẻ mà bao gồm tổ hợp nhiều tuyến lộ trình buôn bán đan xen. Nó gồm mạng lưới đường bộ tổ chức lỏng lẻo và tuyến đường sông từ Bắc Âu và vùng biển Baltic, chạy qua Đức, Ba Lan, Áo, Hungary và Slevenia ngày nay, hướng tới biển Địa Trung Hải với các nước Italy, Hy Lạp, Syria và Ai Cập.
Phân tích hóa học đối với đồ trang trí hổ phách tìm thấy ở Nam Âu hé lộ phần lớn có nguồn gốc ở Bắc Âu hoặc vùng biển Baltic. Ngay cả mộ của vị vua thiếu niên trẻ nổi tiếng nhất Ai Cập cổ đại là Tutankhamun cũng chứa hổ phách Baltic. Thậm chí, giới nghiên cứu phát hiện bằng chứng về hổ phách Baltic ở châu Á, chứng tỏ con đường hổ phách trải rộng hơn so với suy đoán trước đây. Năm 1914, hai hạt hổ phách 3.800 năm được phát hiện gần bờ tây sông Tigris ở Iraq. Sử dụng kỹ thuật chụp ảnh tiên tiến, các nhà khoa học gần đây nhận thấy hổ phách có nguồn gốc từ Baltic.
Hổ phách không phải hàng hóa duy nhất buôn bán dọc theo tuyến đường. Hàng hóa khác từ phương bắc như da, lông thú, mật ong và sáp cũng được xuất khẩu. Đổi lại, người phương bắc sẽ mua thủy tinh La Mã, đồng thau, vàng và nhiều kim loại khác từ vùng Địa Trung Hải.
Có giá trị cao nhờ màu cam trong suốt, hổ phách là nhựa cây hóa thạch rỉ ra từ một số loại cây có quả hình nón. Những cây này mọc ở phía nam Scandinavia và Baltic hơn 45 triệu năm trước, nhiều khả năng dẫn đến lượng hổ phách khổng lồ tích tụ trong vùng. Khu vực ở phía bắc châu Âu này có mỏ hổ phách lớn nhất thế giới. Dọc theo các bãi biển ở biển Baltic, không khó gặp khối hổ phách dạt vào bờ. Chúng trở nên trơn nhẵn nhờ sóng biển và đôi khi có những con hà nhỏ bám vào. Vật liệu đẹp đẽ này thường có mặt trong đồ trang sức và nhiều vật trang trí khác, đồng thời dùng để chữa bệnh và trừ tà.
Mỏ hổ phách lớn khác thường cũng nằm ở Địa Trung Hải, đáng chú ý nhất là ở Sicily, dưới chân núi Castrogiovanni (ngày nay gọi là Enna) và Caltanissetta. Ngày nay, hổ phách Baltic vẫn được ưu ái do vẻ đẹp và thành phần hóa học độc đáo.
An Khang (Theo IFL Science)