Nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Ecology & Evolution cho thấy, có ít nhất 70 loài giun đất ngoại lai đang sống ở Bắc Mỹ, IFL Science hôm 14/2 đưa tin. Để kiểm tra và theo dõi sự lan rộng của chúng, nhóm chuyên gia nghiên cứu những tài liệu về giun đất bản địa và không phải bản địa trong giai đoạn 1891 - 2021 với những báo cáo về việc ngăn chặn giun đất không phải bản địa ở biên giới Mỹ năm 1945 - 1975.
Công nghệ học máy giúp hé lộ, giun đất ngoại lai hiện diện trong 97% số đất được nghiên cứu ở Bắc Mỹ. Các nhà khoa học ước tính, chúng chiếm gần 1/4 trong số 308 loài giun đất ở lục địa này. Tại Mỹ, chúng bỏ xa số lượng các loài cá, động vật có vú và côn trùng xâm lấn.
Tỷ lệ giun đất ngoại lai so với các loài bản địa cao nhất ở các khu vực phía bắc của Bắc Mỹ, thấp hơn ở phía nam và phía tây. "Có thể những tỷ lệ này tăng lên do hoạt động của con người giúp thúc đẩy sự phát triển của những loài ngoại lai đe dọa giun đất bản địa", chuyên gia Jérôme Mathieu tại Đại học Sorbonne, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Trước đây, các loài giun đất ngoại lai được đưa tới để thúc đẩy nông nghiệp vì chúng giúp làm đất thoáng khí, cung cấp phân bón giàu dinh dưỡng thông qua chất thải. Bên cạnh đó, chúng cũng được nhập khẩu để làm mồi câu cá.
Nhưng theo các nhà nghiên cứu, giun đất ngoại lai có thể gây rắc rối do lấn át các loài bản địa. Sự xuất hiện của chúng cũng có thể tác động đến toàn bộ hệ sinh thái. Ví dụ, khi xuất hiện gần cây phong đường, giun đất ngoại lai gây chết cây và ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn.
"Đây nhiều khả năng chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Nhiều sinh vật dưới đất khác có thể đã được đưa đến, nhưng chúng tôi mới chỉ biết rất ít về tác động của chúng", đồng tác giả nghiên cứu John Warren Reynolds cho biết.
Các nghiên cứu còn hạn chế, vì vậy, rất khó để biết mức độ tác động thực sự của giun đất xâm lấn đến nay. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tin rằng số lượng dồi dào và sự phân bố rộng ở môi trường sống đa dạng đồng nghĩa giới khoa học cần chú ý đến chúng nhiều hơn.
Thu Thảo (Theo IFL Science)