Dựa trên dữ liệu được thu thập bởi Đài quan sát thiên văn hồng ngoại tầng bình lưu (SOFIA), các nhà khoa học đến từ Viện nghiên cứu Tây Nam San Antonio (Mỹ) mới đây đã công bố nghiên cứu khi lần đầu tiên phát hiện nước trên bề mặt của một tiểu hành tinh thuộc Hệ Mặt Trời.
Nhóm nghiên cứu cho biết, các quan sát bằng thiết bị camera hồng ngoại vật thể mờ (FORCAST) của SOFIA cho thấy 2 trong số các tiểu hành tinh - có tên là Iris và Massalia - phát ra một bước sóng ánh sáng đặc thù. Điều này cho thấy sự hiện diện của các phân tử nước trên bề mặt tiểu hành tinh.
Iris và Massalia sở hữu đường kính lần lượt là 199 km và 135 km, có quỹ đạo tương tự nhau, di chuyển một khoảng cách trung bình là 2,39 đơn vị thiên văn (AU) - hay khoảng cách từ Mặt Trời đến Trái Đất, tính từ Mặt Trời. Chúng đều là 2 tiểu hành tinh giàu silicat.
Lý giải cho điều này, Anicia Arredondo, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết Iris và Massalia dường như là tàn dư của quá trình hình thành nên hành tinh. Bởi vậy, các thành phần của chúng sẽ thay đổi tùy thuộc vào nơi chúng hình thành theo giả thuyết tinh vân Mặt Trời.
Trong số những thay đổi này, các nhà khoa học đặc biệt chú ý về sự phân bố nước, vì điều đó có thể làm sáng tỏ cách thức nước được đưa đến Trái Đất trong quá khứ.
Theo nghiên cứu, dù các phân tử nước trước đây đã được phát hiện trong các mẫu tiểu hành tinh được đưa về Trái Đất, nhưng đây là lần đầu tiên các phân tử nước được tìm thấy trên bề mặt của một tiểu hành tinh trong không gian.
Trong một nghiên cứu trước đây, SOFIA đã tìm thấy dấu vết của nước tương tự trên bề mặt Mặt Trăng, cụ thể là tại một trong những miệng núi lửa lớn nhất nằm ở bán cầu nam.
Các quan sát của SOFIA về Mặt Trăng cho thấy lượng nước nặng khoảng 12 ounce (tương đương 355 ml) bị mắc kẹt trong một mét khối đất, và tạo ra một số liên kết hóa học với các khoáng chất.
Tuy nhiên đối với các tiểu hành tinh silicat khan hoặc khô được hình thành gần Mặt Trời, quá trình phân bố nước sẽ có sự khác biệt. Đó là bởi bất kỳ lượng nước nào có trên bề mặt các vật thể này đều sẽ bốc hơi do sức nóng tỏa ra từ Mặt Trời.
Do vậy, việc hiểu được vị trí của các tiểu hành tinh và thành phần của chúng có thể giúp ta biết được các vật chất trong tinh vân Mặt Trời được phân bổ và tiến hóa ra sao kể từ khi hình thành.
Trên thực tế, các tiểu hành tinh vốn được cho là nguồn cung cấp nước chính cho Trái Đất, cũng như mang đến các yếu tố cần thiết cho sự sống như chúng ta từng biết.
Theo Arredondo, nhóm có thể sử dụng SOFIA để tìm ra dấu hiệu quang phổ này trên các vật thể khác, từ đó tiếp tục mở rộng thêm nghiên cứu. Đích đến sẽ là sự đánh giá khách quan hơn về nơi có thể tìm thấy các dạng sống tiềm năng, cả trong Hệ Mặt Trời của chúng ta và hơn thế nữa.