Kỷ lục "vô tiền khoáng hậu"
Với kỷ lục 882 ngày trong không gian (tính đến 8/2), Kononenko đã vượt qua người đồng hương Gennady Padalka để trở thành người dành nhiều thời gian nhất ngoài vũ trụ, thông tin từ tập đoàn vũ trụ Nga (Roscosmos) cho biết.
Trong một cuộc phỏng vấn với TASS từ Trạm vũ trụ Quốc tế ISS - nơi cách Trái Đất khoảng 423 km - Kononenko nhấn mạnh: "Tôi bay vào vũ trụ để làm điều tôi yêu thích chứ không phải để lập kỷ lục".
"Dẫu vậy, tôi tự hào về tất cả những thành tựu của mình. Điều đặc biệt là tổng thời gian con người ở trong không gian vẫn do một phi hành gia người Nga nắm giữ".
Do Kononenko hiện vẫn đang làm việc trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS), nên thành tích của anh sẽ tiếp tục được kéo dài. Dự kiến đến ngày 5/6, Kononenko sẽ chạm cột mốc 1.000 ngày sống ngoài vũ trụ.
Cuộc sống ngoài không gian
Dành nhiều thời gian ở nơi không phải Trái Đất, Kononenko hằng ngày vẫn phải đương đầu với nhiều vấn đề về thích nghi và tác động tâm lý.
Theo NASA, việc sinh sống trên trạm ISS trong thời gian dài có thể khiến cơ thể giảm khối lượng cơ và mô xương. Đó là bởi cơ, xương không cần chống đỡ trọng lượng trong môi trường vi trọng lực.
Điều này có thể làm tăng nguy cơ bị gãy xương và kéo dài thời gian lành vết thương.
Để giảm bớt ảnh hưởng và duy trì khả năng đi lại khi trở về Trái Đất, phi hành gia phải luyện tập thường xuyên như sử dụng máy chạy bộ. Sau khi quay lại Trái Đất, họ cần phải tập gym trong một thời gian để lấy lại khối lượng cơ đã mất và tình trạng thể chất trước đây.
Khoa học ước tính có thể mất tới 4 năm để khối lượng xương của các phi hành gia trở lại bình thường sau khi trở về Trái Đất.
Để giảm bớt những tác động này, ngay tại Trạm ISS, Kononenko phải thường xuyên tập thể dục để chống lại những tác động vật lý của tình trạng không trọng lượng.
Cũng giống như các phi hành gia khác, Kononenko phải tham gia vào một cuộc chiến tâm lý, khi phải rời xa gia đình, bạn bè, người thân, cũng như nền văn minh của loài người.
"Khi về tới Trái Đất, tôi mới nhận ra mình đã bỏ lỡ bao nhiêu thứ trong cuộc sống", Kononenko thú nhận. "Dẫu vậy, tôi không cảm thấy thiếu thốn hay bị đơn độc".
Kononenko cho biết các phi hành gia hiện có thể sử dụng cuộc gọi video và nhắn tin để giữ liên lạc với người thân. Điều này giúp họ giữ được tinh thần phấn chấn, thoải mái, và động lực để tiếp tục làm việc tại nơi cách xa Trái Đất hàng trăm km.
Kononenko mơ được trở thành nhà du hành vũ trụ khi còn là một cậu bé, và đã đăng ký vào một học viện kỹ thuật trước khi trải qua khóa đào tạo phi hành gia. Chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên của Kononenko diễn ra vào năm 2008.
Đây là khoảnh khắc được Kononenko mô tả là "giấc mơ của mọi cậu bé", và nó vô cùng đặc biệt đối với anh.