Năm 1897, ba nhà thám hiểm quyết định tới Bắc Cực bằng khinh khí cầu nhưng họ chưa bao giờ tới đích. Sự biến mất của họ trở thành một trong những bí ẩn lớn chưa có lời giải trong lịch sử thám hiểm Bắc Cực, theo National Geographic.
Hàng trăm người tìm cách tới Bắc Cực vào thế kỷ 19, bằng tàu hoặc xe kéo. Mọi nỗ lực đều thất bại và hàng chục người tử vong. Nhưng chỉ có 3 người tìm cách tới đó bằng khinh khí cầu, dẫn đầu là kỹ sư người Thụy Điển Salomon August Andrée. Theo ông, khinh khí cầu hydro có thể gặt hái thành công so với các phương pháp khác. Những người chỉ trích Andree cho rằng không có cách nào để điều khiển nhiệt độ và hướng bay, do đó thất bại là điều không thể tránh khỏi. Không nản chí, hai năm sau, Andrée cất cánh từ Thụy Điển cùng với hai nhà thám hiểm khác để tới vùng cực, nhưng họ đã biến mất. Nhiều thập kỷ đã trôi qua trước khi thế giới biết số phận của họ.
Sinh năm 1854 ở thị trấn Gränna của Thụy Điển, Andrée trở thành một kỹ sư cơ khí có niềm đam mê mạnh mẽ với hàng không. Năm 1876, ở tuổi 22, ông gây chú ý ở Hội chợ Philadelphia với những màn biểu diễn khinh khí cầu, ươm mầm cho niềm say mê kéo dài cả đời. Andrée sinh vào thời kỳ khám phá Bắc Cực. Những nỗ lực tới Bắc Cực đều ngắn ngủi và chưa ai thành công. Năm 1871, nhà thám hiểm người Mỹ Charles Francis Hall tới Bắc Cực trên tàu Polaris nhưng thất bại. Không chùn bước sau thất bại của Hall, cán bộ hải quân người Anh George Nares ra khơi tới vùng cực năm 1875 và không thể tới đích. Hành trình của Nare khiến nhiều người tin rằng không có cách nào để đi tàu tới Bắc Cực.
Trở nên hứng thú với khinh khí cầu ở Philadelphia, Andrée từng vài lần bay qua biển Baltic. Những trải nghiệm này mở đường cho bài phát biểu tại hội nghị của ông ở London năm 1895. Tại đó, ông nhận nhiều chỉ trích khi đề xuất ý tưởng tới vùng cực bằng khinh khí cầu. Tuy nhiên, Andrée đã đáp trả mọi ý kiến phản đối. Khinh khí cầu của ông cao hơn 9 m và làm từ vải cao cấp hai mặt không có mối khâu để ngăn rò rỉ khí, đồng thời đảm bảo nó có thể ở trên không nhiều ngày. Phương tiện chở giường ngủ cho đội 3 người, 3 chiếc xe kéo, 3 chiếc thuyền, lều bạt và nhu yếu phẩm quan trọng. Andrée gắn cánh buồm để cầm lái và kéo lê dây thừng để kiểm soát độ cao. Nghiên cứu về gió khiến ông tin rằng gió bấc ổn định sẽ đưa họ tới bay qua Bắc Cực tới Alaska trong vài ngày.
Dù bị nhiều người cho là liều lĩnh, kế hoạch của Andrée vẫn gây ấn tượng với vua Oscar II của Thụy Điển. Alfred Nobel, nhà phát minh thuốc nổ, cung cấp kinh phí và háo hức khi đất nước của ông sắp tạo ra dấu ấn trong thám hiểm Bắc Cực. Kế hoạch của Andrée thu hút sự chú ý khắp toàn cầu. Tin tức được cập nhật qua phao nổi và bồ câu đưa thư. Ngày 11/7/1897, sau nhiều lần trì hoãn, Andrée và đồng đội là Nils Strindberg, trợ lý giáo sư vật lý kiêm nhiếp ảnh gia, và Knut Fraenkel, kỹ sư dân sự, cất cánh từ đảo Danes ở Spitsbergen trên khinh khí cầu mang tên Örnen (Đại bàng).
Sau khi nhanh chóng bay lên phía trên đám đông, sự cố xảy ra. Một luồng khí lạnh đột ngột hay ảnh hưởng của dây thừng khiến khinh khí cầu rơi thẳng xuống nước. Những người chứng kiến la hét khi Andrée thả vật dằn. Khinh khí cầu bay lên cao và có thể nhìn thấy trong khoảng một giờ, sau đó bay xa dần về hướng đông bắc. Đó là lần cuối cùng 3 người đàn ông được nhìn thấy còn sống.
Hơn một tuần sau khi cất cánh, một con bồ câu đưa thư của Andrée mang theo tin tức. Viết vào ngày 13/7 năm đó, mẩu giấy ghi chữ "82 độ vĩ bắc. Hành trình tốt đẹp về hướng đông, 10 độ nam. Mọi sự thuận lợi. Đây là bức thư thứ 3 gửi bằng bồ câu". Tuy nhiên, không có lá thư nào khác được tìm thấy.
Nhiều năm trôi qua trước khi nhà chức trách tìm thấy hai chiếc phao nổi thả vào ngày phóng. Một chiếc có dòng chữ: "Hiện giờ chúng tôi đang ở trên lớp băng bị vỡ nhiều từ mọi hướng. Thời tiết tuyệt vời theo cách hài hước nhất". Nhiều đội thám hiểm được cử đi để tìm 3 người thành viên nhưng không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào. Họ đã mất tích.
Hơn 3 thập kỷ sau, bí ẩn dần được hé lộ. Vào tháng 8/1930, một nhóm nhà khoa học Na Uy nghiên cứu sông băng trên tàu săn hải cẩu. Họ tận dụng mùa hè ấm khác thường để cập bờ ở đảo White. Trong khi khám phá hòn đảo, họ bất ngờ tìm thấy dấu tích của một chiếc thuyền nhô ra từ băng. Bên trong là chiếc móc câu có dòng chữ "Chuyến thám hiểm vùng cực năm 1896 của Andrée". Số phận chuyến bay của Andrée cuối cùng đã được hé lộ.
Sau khi khám phá sâu hơn, nhà chức trách tìm được thi thể của Andrée, Strindberg và Fraenkel cùng với nhật ký, sổ hành trình, máy ảnh và cuộn phim của họ. Thi thể của họ được vận chuyển về Stockholm, thủ đô của Thụy Điển để hỏa táng và chôn cất. Nhật ký và ảnh chụp giúp sáng tỏ những gì đã xảy ra với cả đội sau khi cất cánh vào tháng 7/1897. Örnen lơ lửng trong không trung gần 3 ngày và trôi theo hướng đông bắc.
Tuy nhiên, hành trình vấp phải rắc rối. Hướng gió thay đổi đẩy khinh khí cầu về hướng tây vào ngày 12/7/1897. Khí hydro rò rỉ từ khinh khí cầu khiến nó lơ lửng ở độ cao thấp. Sương mù khiến lớp băng dày hình thành trên bề mặt khinh khí cầu, làm nó bay thấp dần. Để tiếp tục lơ lửng, Andrée và đồng đội ném bớt vật dằn và một số thiết bị nhưng không thành công. Khinh khí cầu nảy trên mặt đất theo từng quãng dài khoảng 50 m. Ngày 14/7, cả đội quyết định nhảy khỏi phương tiện và từ bỏ nhiệm vụ khi ở cách vùng cực 480 km.
Ảnh chụp rửa từ cuộn phim đóng băng của Strindberg cho thấy xác khí cầu rơi xuống đất và lều trại mà những người đàn ông dựng gần địa điểm va chạm. Chỉ hơn một tuần sau vụ rơi khinh khí cầu, cả đội tìm cách tới Franz Josef Land, quần đảo ở Nga, nơi họ cất giấu nhu yếu phẩm khẩn cấp. Sau khi họ chuyển thiết bị lên khối băng trôi dạt suốt nhiều ngày, khối băng bắt đầu trôi về hướng tây.
Ba người tiếp tục cố gắng di chuyển tới nơi an toàn, nhưng giữa tháng 9 năm đó, nhiệt độ giảm dần, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài ở tại chỗ. Họ dựng nơi trú ẩn từ những khối băng, săn hải cẩu và gấu Bắc Cực. Đầu tháng 10, băng dịch chuyển đẩy họ tới Đảo White. Vào ngày 8/10, khi thời tiết xấu tới gần, Andrée viết nhật ký lần cuối cùng. Nguyên nhân dẫn tới cái chết của họ vẫn chưa được làm rõ. Các chuyên gia cho rằng bộ ba có đủ nhu yếu phẩm để sống sót qua mùa đông nhưng bị tấn công bởi bệnh tật.
An Khang (Theo National Geographic)