Cả Trung Quốc và Mỹ đều đang có kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt Trăng trước khi thập kỷ này kết thúc. Với Mỹ, đó là sứ mệnh Artemis 3, với thời gian dự kiến là tháng 9/2026. Còn với Trung Quốc, họ cũng cho thấy tham vọng với một sứ mệnh được triển khai vào năm 2030.
Sự cạnh tranh gắt gao của 2 cường quốc vũ trụ trên thế giới đã hình thành nên một cuộc chạy đua không gian mới diễn ra trong thập kỷ này.
"Đó là sự thật: Chúng ta đang tham gia vào một cuộc đua vào không gian", ông Bill Nelson, Giám đốc NASA, thừa nhận. Dẫu vậy, người đứng đầu NASA không tin vào khả năng Trung Quốc có thể thắng Mỹ trong "cuộc đua" nêu trên.
Trong cuộc hội thảo với truyền thông diễn ra hôm 9/1, Giám đốc NASA nhấn mạnh: "Tôi không lo ngại rằng Trung Quốc sẽ đổ bộ trước chúng tôi (Mỹ)".
"Trung Quốc có một kế hoạch rất táo bạo. Tôi nghĩ họ muốn đổ bộ trước chúng tôi, vì điều đó có thể mang lại cho họ một số lợi thế về mặt truyền thông. Nhưng thực tế là tôi không nghĩ họ sẽ làm được như vậy".
Về phần mình, Trung Quốc đang đặt mục tiêu đưa một phi hành đoàn lên mặt trăng vào năm 2030. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang hướng tới cực nam Mặt Trăng, khu vực được cho là có nhiều băng nước tồn tại ở thể lỏng.
Để đưa phi hành đoàn tới đúng hẹn, cơ quan vũ trụ Trung Quốc (CNSA) đang lên kế hoạch thử nghiệm tàu vũ trụ mới vào năm 2027 hoặc 2028.
Họ cũng đã vạch ra kế hoạch sử dụng tên lửa 2 lần phóng để tới được Mặt Trăng. Trong đó, bước một nhằm đặt tàu đổ bộ Mặt Trăng vào đúng quỹ đạo, và bước hai sẽ đưa phi hành đoàn hạ cánh lên đó.
Theo Reuters, kế hoạch phóng hai lần này sẽ vượt qua rào cản công nghệ lâu đời của Trung Quốc trong việc phát triển một tên lửa hạng nặng đủ mạnh để đưa cả phi hành gia và tàu thăm dò khỏi mặt đất.
Tuy nhiên, tham vọng với Mặt Trăng của Trung Quốc không chỉ gồm việc đưa các phi hành gia lên bề mặt. CNSA hiện có kế hoạch sẽ phóng robot mang tên Hằng Nga 6 (Chang'e 6) tới nửa tối của Mặt Trăng để thu thập các mẫu địa chất và đưa chúng trở lại Trái Đất.
Nếu sứ mệnh thành công, nó sẽ đánh dấu lần đầu tiên những mẫu đất đá được đưa trở lại Trái Đất từ khu vực chưa từng được con người khai phá. Theo SpaceNews, CNSA đang hướng tới việc triển khai sứ mệnh này vào cuối năm 2024.
Giới chuyên môn đánh giá sự tự tin của NASA là hoàn toàn có cơ sở. Song không có gì là đảm bảo cho sự thành công của họ trong một cuộc đua khốc liệt hơn những gì mà người ngoài cuộc có thể cảm nhận.
Năm 2023, chúng ta đã chứng kiến một cuộc đua thú vị với đích đến là Mặt Trăng. Hai ứng cử viên tham gia cuộc đua này là Nga (với sứ mệnh Luna-25) và Ấn Độ (với sứ mệnh Chandrayaan-3).
Rõ ràng, đây không phải là một cuộc đua cân sức, vì Nga là cường quốc vũ trụ với hàng loạt cột mốc được chinh phục trong quá khứ, còn Ấn Độ chỉ là một "lính mới" trong lĩnh vực này.
Thế nhưng, điều bất ngờ đã xảy đến khi Ấn Độ mới là người chiến thắng.
Với sự kiện tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Ấn Độ hạ cánh thành công xuống bề mặt Mặt trăng ngày 23/8, họ chính thức trở thành quốc gia đầu tiên có tàu vũ trụ đáp xuống cực Nam của Mặt Trăng, đồng thời là quốc gia thứ 4 hạ cánh lên vệ tinh của Trái Đất.