Dấu vết trên tấm đất sét thời kỳ Lưỡng Hà cổ đại cho thấy những thay đổi lớn của từ trường Trái Đất được lưu giữ trong các hạt oxit sắt. Đồng thời, khám phá này còn giúp các nhà khoa học xác định niên đại của vật thể cổ chính xác hơn, so với phương pháp đồng vị carbon.
Trải qua hàng tỷ năm tồn tại, từ trường Trái Đất đã có những biến động lớn về động lực, từ tăng cường đến giảm dần và ngược lại. Một trong những thay đổi đáng chú ý diễn ra trong Thế Holocene, từ năm 1050 đến 550 trước Công nguyên, nổi bật ở nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại.
Thời điểm đó, cường độ từ trường ở khu vực này tăng lên đáng kể, nguyên nhân chính xác của sự kiện này vẫn chưa được biết cho đến ngày nay.
Nghiên cứu từ tính khảo cổ còn giúp giảm sự phụ thuộc vào phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị carbon phóng xạ, vốn có phần hạn chế. Nó chỉ có thể thực hiện ở tàn tích chứa chất hữu cơ, trừ các hiện vật văn hóa quan trọng như đất sét và đồ gốm.
Bên cạnh đó, các mẫu khảo cổ vẫn có độ không chắc chắn về mặt niên đại, sai số lên đến vài trăm năm. Chỉ 30% mẫu được khai quật có độ sai số nhỏ hơn hoặc bằng 50 năm.
Nhà khoa học Lisa Tauxe, Viện Hải dương học Scripps (Hoa Kỳ), giải thích: "Các di tích khảo cổ có niên đại lâu đời của nền văn hóa Lưỡng Hà rất phong phú, đặc biệt là những tấm đất nung được khắc tên của các vị vua cụ thể, mang đến cơ hội chưa từng có để nghiên cứu những thay đổi về cường độ từ trường với độ chính xác cao.
Kỹ thuật khảo cổ từ tính, được đề cập trong nghiên cứu này sẽ giúp xác định niên đại các mẫu vật với độ chính xác cao hơn, cũng như những thay đổi xảy ra trong từ trường Trái Đất.
Tên các vị vua được ngâm trong khoáng chất
Những thay đổi trong từ trường của Trái Đất mang lại dấu hiệu riêng biệt cho một số khoáng chất nhất định, chẳng hạn như oxit sắt, khi đun nóng.
Các nhà nghiên cứu đã chọn một bộ gồm 32 tấm đất sét Lưỡng Hà có khắc tên của các vị vua cổ đại. Các hạt oxit sắt được chiết từ những hiện vật này được dùng để phân tích các dấu hiệu từ tính, tồn tại cách đây hàng nghìn năm.
Niên đại ước tính về triều đại của các quốc vương Lưỡng Hà cổ đại được đo bằng cường độ từ tính, thông qua hạt oxit sắt tồn tại trong nó đã cung cấp một bản đồ lịch sử về những thay đổi trong từ trường Trái Đất.
Vì triều đại của các vị vua kéo dài từ vài năm đến vài thập kỷ, kỹ thuật khảo cổ học này mang lại độ chính xác tốt hơn nhiều so với việc xác định niên đại bằng đồng vị carbon.
Trong quá trình phân tích, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong 5 mẫu được lấy trong các tấm đĩa có niên đại từ thời trị vì của vua Nebuchadnezzar II, từ trường Trái Đất thay đổi đáng kể trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Phát hiện này phù hợp với dữ liệu được thu thập trước đây ở Trung Quốc và Bulgaria.
Hơn nữa, việc xác định niên đại bằng từ tính khảo cổ của những hiện vật này sẽ chấm dứt cuộc tranh luận liên quan đến triều đại của một số vị vua Lưỡng Hà.
Mặc dù khoảng thời gian và niên đại trị vì của các vị vua Lưỡng Hà đã được xác định rõ ràng, nhưng vẫn còn sự bất đồng trong cộng đồng khảo cổ về những năm chính xác mà họ lên ngôi, do các ghi chép lịch sử không đầy đủ.
Nhóm các nhà khoa học còn thiết lập cơ sở nghiên cứu cho việc sử dụng phân tích khảo cổ học bằng phương pháp từ tính như một kỹ thuật xác định niên đại tuyệt đối cho các tài liệu khảo cổ thời kỳ Lưỡng Hà.