Đầm lầy muối Great Marsh nằm ở Vịnh Maine, một vịnh lớn của Đại Tây Dương trên bờ biển phía đông Bắc Mỹ. Các đầm lầy dọc theo vịnh là nơi sinh sản quan trọng của nhiều loài chim. Nhưng nước ở đó đang ấm lên nhanh hơn đa số nơi khác trên thế giới. Cùng với nước ấm, các loài vật sống trong nước ấm cũng xuất hiện, trong đó có còng, Yahoo News hôm 31/12 đưa tin.
Đặc trưng của còng đực là có càng ngoại cỡ để thu hút con cái và tự vệ trước địch thủ. Chúng đang di cư nhanh chóng, một phần do các con non. Trong khi còng trưởng thành bò trên bùn, còng non bơi và được dòng nước cuốn đi. Nước ấm giúp chúng hoàn thành vòng đời và các dòng nước mang thế hệ còng tiếp theo đi xa hơn về phía bắc.
David Samuel Johnson, phó giáo sư khoa học biển tại Viện Khoa học Biển Virginia, ngạc nhiên khi thấy còng xuất hiện ở đầm lầy Great Marsh. Ông cũng kinh ngạc trước mức độ ảnh hưởng của chúng đến đầm lầy.
Ở phía nam Cape Cod, nhiều thập kỷ nghiên cứu chỉ ra, cỏ sinh sôi tốt hơn khi có còng. Phân và hang còng giải phóng chất dinh dưỡng, thúc đẩy cỏ phát triển. Chúng là những con giun đất của đầm lầy muối phía nam, giúp thực vật sinh trưởng.
Tuy nhiên, mọi chuyện ở đầm lầy Great Marsh không như vậy. Việc còng đào hang đã làm giảm 40% sinh khối của chồi, lá và 30% sinh khối của rễ ở Great Marsh trong mùa hè năm 2020 và 2021. Còng không ăn cỏ nhưng khi đào bới, chúng làm hỏng rễ cỏ Spartina. Thực vật phía nam đã thích nghi với thiệt hại này và giờ còn hưởng lợi từ còng, nhưng thực vật phía bắc vẫn chưa kịp thích ứng.
Thiệt hại có thể tiếp tục ảnh hưởng đến phần còn lại của mạng lưới thức ăn Great Marsh. Nhiều loài côn trùng, nhện, ốc sên, động vật giáp xác nhỏ đều ăn cỏ. Chúng tiếp tục trở thành thức ăn của cá, tôm, cua. Sinh khối thực vật giảm có thể dẫn đến số lượng tôm cá giảm. Nhiều loài chim sinh sản ở đầm lầy hoặc nghỉ chân tại đó trong hành trình di cư cũng sẽ chịu ảnh hưởng.
Cỏ Spartina phía bắc có thể sẽ dần thích nghi với sự hiện diện của còng, những sinh vật khác ở đây cũng vậy. Nhưng trong thời gian đó, còng có thể làm trầm trọng hơn tác động của biến đổi khí hậu trong khu vực.
Mực nước biển dâng nhanh do nhiệt độ tăng dẫn đến nguy cơ Great Marsh bị nhấn chìm. Suốt nhiều thiên niên kỷ, các đầm lầy muối kịp ứng phó với tình trạng nước biển dâng bằng cách xây đắp dần lên cao. Thực vật xây đắp các đầm lầy bằng cách giữ lại lượng trầm tích tràn vào theo mỗi đợt thủy triều. Số lượng cỏ giảm có thể dẫn đến ít đầm lầy hơn, hoặc các đầm lầy sẽ bị nhấn chìm.
Còng cũng làm giảm khả năng lưu trữ carbon của Great Marsh. Hàng năm, rễ cây chết bị chôn vùi trong đất thiếu oxy. Kết quả là quá trình phân hủy chậm lại đáng kể, tạo điều kiện cho carbon tích tụ và được lưu giữ. Điều này biến đầm lầy muối thành những bể lưu trữ carbon quan trọng, ngăn carbon thoát ra khí quyển và gây biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hang còng kích thích quá trình phân hủy. Cây chết bắt đầu thối rữa và carbon từng bị chôn vùi sẽ được giải phóng.
Năm 2023 lập kỷ lục về sóng nhiệt ở các đại dương trên thế giới và với lượng khí thải nhà kính vẫn đang tăng, tình trạng ấm lên sẽ tiếp diễn. Những sinh vật di cư do khí hậu không được coi là loài xâm lấn, nhưng chúng có thể thay đổi hệ sinh thái, giống như trường hợp còng ở đầm lầy Great Marsh. Do đó, việc tìm hiểu quá trình này cũng như khả năng thích nghi của các hệ sinh thái vô cùng quan trọng với giới khoa học.
Thu Thảo (Theo Yahoo News)