Khu rừng cổ nhất thế giới nằm trong một mỏ đá bỏ hoang gần Cairo, New York. Những khối đá 385 triệu năm chứa rễ hóa thạch của hàng chục cây gỗ cổ đại. Khi cây phát triển bộ rễ này, chúng góp phần hút carbon dioxide (CO2) từ không khí và lưu trữ, thay đổi đáng kể khí hậu Trái Đất, dẫn tới khí quyển như chúng ta biết ngày nay, theo IFL Science.
Christopher Berry, nhà cổ thực vật học ở Đại học Cardiff, Anh, và cộng sự phát hiện di chỉ vào năm 2009. Một số rễ hóa thạch tại đó có đường kính 15 cm và hình thành họa tiết tỏa tròn rộng 11 m từ vị trí thân cây. Chúng dường như thuộc loài Archaeopteris, loài cây với rễ gỗ lớn và nhiều cành lá, có họ với cây hiện đại, nghiên cứu công bố trên tạp chí Current Biology. Trước đây, hóa thạch Archaeopteris cổ nhất không quá 365 triệu năm tuổi. Di chỉ Cairo cho thấy cây Archaeopteris đã tiến hóa những đặc điểm hiện đại sớm 20 triệu năm.
Theo Kevin Boyce, nhà khoa học địa chất tại Đại học Stanford ở Palo Alto, California, những cây như ở Cairo có ảnh hưởng lớn tới khí hậu cổ đại. Rễ cây ăn sâu vào lòng đất, làm vỡ đá bên dưới mặt đất. Các nhà địa chất học gọi quá trình này là "phong hóa". Nó thúc đẩy phản ứng hóa học hút CO2 từ không khí và biến đổi thành ion carbonate trong nước ngầm. Cuối cùng, nước ngầm chảy ra biển và bị giữ lại trong đá vôi.
Một phần do phong hóa và hiệu ứng dây chuyền của nó, lượng CO2 trong khí quyển giảm tới mức ngày nay không lâu sau khi rừng gỗ xuất hiện. Trước đó vài chục triệu năm, lượng CO2 vẫn cao gấp 10 - 15 lần thời hiện đại. Một số nghiên cứu cho thấy việc giảm nhiều CO2 trong khí quyển khiến lượng oxy tăng ổn định, dẫn tới khí quyển chứa khoảng 35% oxy cách đây 300 triệu năm. Điều này thúc đẩy quá trình tiến hóa của côn trùng khổng lồ ở thời kỳ đó, một số loài có sải cánh 70 cm sống trong các khu rừng cổ đại.
Đây không phải lần đầu tiên giới nghiên cứu khám phá một khu rừng nguyên thủy. Kỷ lục trước đây thuộc về một khu rừng hóa thạch ở Gilboa, New York, cách Cairo khoảng 40 km, chứa mẫu vật cây 382 triệu năm.
An Khang (Theo IFL Science/Science)