Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 6-11, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - cho biết từ phản ánh của báo chí, cơ quan này đã ngăn chặn 8 hội nhóm "hướng dẫn tự tử" và 43 hội nhóm "hướng dẫn bùng nợ" trên mạng xã hội Facebook.
Sau khi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu ngăn chặn, chỉ sau 1 ngày, Facebook đã chặn, gỡ những hội nhóm này.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên vào sáng 7-11, trên mạng xã hội vẫn còn nhiều hội nhóm tương tự.
Các hội nhóm mang nội dung "hướng dẫn bùng nợ". Ảnh: Chụp màn hình
Theo đó, các hội nhóm như: "Hội những người chán đời muốn tự tử", "Hội những người muốn tự tử tập thể vì chán ghét cái cuộc sống vô nghĩa này", "7749 cách tự tử", "Hội bùng app vay tiền và chia sẻ cách đối phó", "Chuyên tư vấn bùng nợ - Xóa nợ xấu"... vẫn đang xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội.
Đáng nói, những hội nhóm này thu hút hàng ngàn đến hàng trăm ngàn người tham gia với khoảng trên 20 bài cập nhật mỗi ngày.
Một số nội dung được đăng tải trong "Hội những người muốn tự tử". Ảnh: Chụp màn hình
Nhóm hướng dẫn bùng nợ thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Ảnh: Chụp màn hình
Các thành viên tham gia đa số vì cảm xúc tiêu cực của bản thân, xuất phát từ khó khăn, áp lực cuộc sống hoặc lạc lõng, mất phương hướng như nợ nần, mắc bệnh hiểm nghèo, không có điểm tựa tinh thần...
Theo dõi các hội nhóm "hướng dẫn tự tử", dễ dàng nhận thấy nhiều bài viết có nội dung lệch lạc, thái độ, suy nghĩ rất tiêu cực, như: "Có lẽ con được sinh ra trên thế gian này là sai lầm của thượng đế, nhưng tiếp tục tồn tại thì là sai lầm của con"; "Tôi muốn các bạn giúp cách ra đi nhẹ nhàng"; "Ai cần mua xyanua nguyên chất liên hệ mình nha"...
Còn trong các nhóm "bùng nợ" thì hướng dẫn, cổ vũ "xù nợ", quảng cáo các dịch vụ hỗ trợ xóa nợ, trốn nợ.
Có thể thấy điểm chung của thành viên trong các hội nhóm này là thay vì giúp đỡ, động viên nhau vượt qua khó khăn, họ lại xúi giục, rủ rê nhau tự tử; thay vì cho lời khuyên trả nợ, họ lại góp thêm cách để được "xù nợ".
Những hội nhóm trên mạng xã hội dù là ảo nhưng hệ lụy của chúng có thể là thật. Thành viên nào không đủ mạnh mẽ, không làm chủ bản thân thì khó thể vượt qua những lời nói kích động, tiêu cực. Thông qua tương tác ảo mỗi ngày, cảm xúc tiêu cực lây lan, có thể tạo động lực để nhiều người thực hiện hành vi không đúng, thậm chí vi phạm pháp luật.
Nhóm đối tượng cướp ngân hàng tại Hóc Môn tháng 10-2023
Trong vụ việc cướp ngân hàng ở huyện Hóc Môn, TP HCM tháng 10-2023, các đối tượng quen biết nhau qua nhóm "Những người vỡ nợ muốn làm liều". Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận tham gia hội nhóm để kết bạn, nhắn tin trao đổi với nhau.
Nhóm đối tượng cướp ngân hàng tại Bắc Từ Liêm - Hà Nội tháng 3-2022
Các đối tượng trên không phải là thành viên đầu tiên thực hiện hành vi phạm tội thông qua hội nhóm tiêu cực. Trước đó, tháng 3-2022, các đối tượng trong vụ cướp ngân hàng tại Bắc Từ Liêm - Hà Nội cũng quen nhau trong "Hội những người vỡ nợ thích làm liều".
Vì vậy, khi tham gia mạng xã hội, người dùng cần tỉnh táo, cân nhắc kỹ nội dung, giá trị mà các hội nhóm đó mang lại để không bị thao túng tâm lý, gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Điều 131 Bộ Luật Hình sự quy định hành vi xúi giục hoặc giúp người khác tự sát, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, vừa qua, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 404 bài viết, 1 group và 7 tài khoản vi phạm (đạt tỉ lệ 90%); Google đã gỡ 480 video vi phạm trên YouTube (92%); TikTok đã chặn, gỡ bỏ 53 nội dung vi phạm (95%).
Ông Lê Quang Tự Do cho biết Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đang tiếp tục thu thập thông tin để xử lý tiếp những hội nhóm "hướng dẫn tự tử", "hướng dẫn bùng nợ"... Nếu phát hiện thông tin về những nhóm tiêu cực, có dấu hiệu vi phạm trên mạng xã hội, người dùng và cơ quan báo chí có thể thông tin đến Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý.
Lấy link