Doanh nghiệp công nghệ số cần dấn thân vào các lĩnh vực công nghệ tiên phong

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, doanh nghiệp công nghệ số cần tập trung xây dựng các sản phẩm dịch vụ mang tính đột phá, tạo ra giá trị thực sự, phục vụ lợi ích của người dân và của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.


Ngày 15/1/2025, Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI được tổ chức tại Hà Nội. Diễn đàn năm nay có chủ đề: “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”.


Mục tiêu của Diễn đàn là đưa ra các thông điệp của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhằm làm chủ công nghệ số, công nghệ chiến lược, và đề xuất nhận nhiệm vụ chiến lược triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.


Trong những năm qua, Make in Viet Nam đã được cộng đồng doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực công nghệ số hưởng ứng mà đã tạo hiệu ứng tích cực trong tất cả các ngành, lĩnh vực khác; cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã thay đổi tư duy, định hướng sáng tạo, sản xuất các sản phẩm chất lượng của người Việt cho thị trường trong nước và định hướng toàn cầu. Các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam đã được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận và đi ra thị trường nước ngoài.


W-dien dan 76341.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thăm gian hàng của FPT tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI. Ảnh: Hoàng Hà.

Phát biểu chỉ đạo và định hướng tại diễn đàn này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đánh giá cao Bộ TT&TT đã tổ chức diễn đàn có ý nghĩa này ngay sau Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về Đột phá Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số quốc gia. Tổng bí thư nhấn mạnh, bằng cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, chúng ta có thể phát triển các các ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy xây dựng sáng tạo và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững, xã hội số toàn diện, tiên tiến và bản sắc. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, cần sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, sự đồng hành của doanh nghiệp và sự tham gia tích cực của những người lao động và toàn thể người dân.


Tại diễn đàn này, Tổng bí thư cũng gợi mở một số những nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành và các doanh nghiệp công nghệ số của chúng ta trong giai đoạn tới như phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ, phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh và đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, đặc biệt là các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, IoT, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, công nghệ nano, công nghệ thông tin di động 5G, 6G, công nghệ vũ trụ, không gian.


Tổng bí thư cũng khẳng định phải tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng số. Cần tăng cường chính sách để thu hút nhân tài công nghệ cao, xây dựng môi trường hấp dẫn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực nội địa, tạo ra các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu. Bên cạnh đó, phải xây dựng hệ sinh thái công nghệ số bền vững, đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái công nghệ số với sự liên kết giữa các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức hỗ trợ, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác công - tư, thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, các tổ chức quốc tế, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghệ số đa dạng, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu. Từng bước hình thành và phát triển các lĩnh vực về kinh tế số như Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ số phát triển các giải pháp cho việc ứng dụng và quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy giao dịch điện tử, tăng cường khả năng tiếp cận CNTT cho mọi người dân. Nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh toàn cầu, phấn đấu để trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới.


W-PSX_20250115_112945.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng gợi mở một số những nhiệm vụ trọng tâm đối với các doanh nghiệp công nghệ số trong giai đoạn tới như phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ, phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi. Ảnh: Lê Anh Dũng

“Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chúng ta cần có sự đồng lòng, quyết tâm, khát vọng mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta cần nhìn thấy đây không chỉ là cơ hội mà còn là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp trong việc góp phần hiện thực hóa các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra trong Nghị quyết 57. Hãy biến khát vọng đứng đầu thành hành động cụ thể. Mỗi doanh nghiệp công nghệ số cần dấn thân vào các lĩnh vực công nghệ tiên phong, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, chủ động tiếp cận công nghệ mới, không ngừng đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp công nghệ số cần tập trung xây dựng các sản phẩm dịch vụ mang tính đột phá, tạo ra giá trị thực sự, phục vụ lợi ích của người dân và của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Đây là thời cơ vàng để chúng ta khẳng định năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghiệp công nghệ số hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và phạm vi toàn thế giới”, Tổng Bí thư nói.


Phát biểu khai mạc diễn đàn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, sánh vai cường quốc năm châu, khát vọng về một Việt Nam hùng cường thịnh vượng, không có kẻ thù nào dám đến xâm phạm - đó là công nghệ. Cuộc cách mạng số, đặc biệt là sự phát triển mới có tính cách mạng và bước tiến vượt trội của nó - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam.


Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam, với những vấn đề của mình, chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ từ Việt Nam đi ra toàn cầu, và giải những bài toán toàn cầu.


“Make in Viet Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài, vì nó góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh. “Chiếc nỏ thần” bảo vệ Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra” Bộ trưởng nói.


Make in Viet Nam đã được 5 năm. Năm năm qua, giá trị Việt Nam trong công nghiệp công nghệ số đã tăng từ 20% lên 32%. Năm 2024, giá trị Việt Nam trong 158 tỷ USD của ngành công nghiệp công nghệ số là 32%. Và chúng ta đặt mục tiêu giá trị Việt Nam sẽ đạt trên 50% vào năm 2030. Đây là mục tiêu rất cao nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy gia công. Thoát bẫy gia công là để thoát bẫy thu nhập trung bình.


W-Nguyen Manh Hung.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chúng ta làm chủ các công nghệ chiến lược để làm chủ tiến trình chuyển đổi số Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.

Năm năm qua, số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã tăng 50%. Với 74.000 doanh nghiệp công nghệ số tại một quốc gia 100 triệu dân, Việt Nam thuộc quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số trên đầu người vào loại cao nhất trong số các nước đang phát triển.


Make in Viet Nam cũng là tự hào Việt Nam. Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã truyền đi thông điệp về tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc” để phát huy trí tuệ Việt Nam. Việt Nam không còn là nước nhỏ nữa, phải sánh vai cường quốc năm châu và phải đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.


“Chúng ta làm chủ các công nghệ chiến lược để làm chủ tiến trình chuyển đổi số Việt Nam. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có thể phát triển bền vững. Nghị quyết 57 định hướng giao các doanh nghiệp nòng cốt làm các dự án lớn, trọng điểm quốc gia về chuyển đổi số, giao các doanh nghiệp nòng cốt làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây là một mũi tên trúng 2 đích: Vừa làm chủ tiến trình chuyển đổi số, làm chủ công nghệ chuyển đổi số và vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Từ nay, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp lớn, phải nhận lấy sứ mệnh Việt Nam và làm rạng danh Việt Nam” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.


Bộ trưởng chia sẻ tiếp, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị vừa ký ban hành Nghị quyết 57 là Nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như Nghị quyết khoán 10 cho nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này là cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Từ chỗ thiếu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chúng ta sẽ tiến tới đủ, thừa, xuất khẩu và xuất khẩu lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giống như chúng ta đã làm được đối với nông nghiệp. Chúng ta kỳ vọng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ góp phần đặc biệt quan trọng để Việt Nam vươn mình đứng dậy, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm.


Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Thứ trưởng Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc, ông Dohyun Kang đã chia sẻ về kinh nghiệm của Hàn Quốc trong phát triển ngành công nghiệp số, nhờ đó quốc gia này đã vượt qua khỏi bẫy thu nhập trung bình. Loài người đang trong thời đại AI và đây là công nghệ thúc đẩy sự đổi mới nhanh nhất, rộng rãi nhất trong lịch sử. Chẳng hạn, đối với Hàn Quốc, nước này ước tính sự tác động của AI với nền kinh tế hàng năm sẽ vượt quá 200 tỷ USD từ giờ đến năm 2026. Tuy vậy, AI cũng tạo ra những thách thức và rủi ro nhất định như tấn công mạng, thông tin giả, lộ lọt thông tin cá nhân...


Ông Kang cho biết, AI đang tạo ra cuộc đua toàn cầu về khả năng chiến ưu thế công nghệ. Theo đánh giá, Hàn Quốc đang nằm trong nhóm 3 các quốc gia có khả năng cạnh tranh AI nhất thế giới. Tuy nhiên, nước này không đặt mục tiêu trở thành quốc gia AI cạnh tranh nhất, thay vào đó "sẽ phấn đấu trở thành quốc gia mẫu mực hợp tác với các đối tác toàn cầu để định hình tương lai số và cùng nhau chia sẻ các giá trị".


Nghị quyết 57 như một chỉ dấu về vận nước đã đến


Tại diện đàn này, nhiều doanh nghiệp như FPT và Viettel đã chia sẻ về cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ khi Nghị quyết 57 ra đời và đề xuất nhiều chính sách phát triển mới. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã tiên phong nhận nhiệm vụ, sứ mệnh để tiến vào kỷ nguyên mới.


Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel cho biết, từ những năm 2018, Viettel đã bắt tay nghiên cứu công nghệ 5G, đến nay làm chủ hoàn toàn hệ sinh thái sản phẩm 5G có chất lượng tương đương các nhà cung cấp thế giới. Trong thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các công nghệ mạng viễn thông thế hệ tiếp theo như 5G Advanced, 6G.


Ông Tào Đức Thằng phân tích tiếp, Nghị quyết 57 đã đưa ra những mục tiêu rõ ràng, giải pháp thực hiện đầy đủ, toàn diện, với những chính sách đột phá để tháo gỡ những “điểm nghẽn của điểm nghẽn” làm hạn chế sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thời gian qua, như cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới; cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ tiên tiến của nước ngoài; cơ chế đặc thù thu hút nhân tài về Việt Nam làm việc; thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược…


W-Tao Duc Thang.jpg
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel cho biết, từ những năm 2018, Viettel đã bắt tay nghiên cứu công nghệ 5G, đến nay làm chủ hoàn toàn hệ sinh thái sản phẩm 5G có chất lượng tương đương các nhà cung cấp thế giới. Ảnh: Hoàng Hà.

Để giải điểm nghẽn này, Chủ tịch Viettel kiến nghị ban hành hướng dẫn hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế đánh giá để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các công nghệ mới. Đây là chủ trương đột phá để các doanh nghiệp nhà nước như Viettel mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có độ rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp, nhưng nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, tạo ra sự bứt phá cho doanh nghiệp.


Bên cạnh đó, ông Tào Đức Thắng cũng kiến nghị triển khai giải pháp hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược. Nghị quyết 57 cũng đã đề cập đến giải pháp về hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ chiến lược. Chủ tịch Viettel cũng đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích, ưu tiên sử dụng các sản phẩm Make in Viet Nam. Một trong những giải pháp trong Nghị quyết 57 để thúc đẩy sản xuất trong nước là cơ chế khuyến khích mua sắm đối với các sản phẩm, hàng hoá là kết quả nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong nước tạo ra. Đây là một trong những điểm nghẽn cần tháo gỡ để thúc đẩy nghiên cứu trong nước.


Tại diễn đàn này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT nói về hành trình FPT ra thế giới. Các tập đoàn đi trước chúng ta, họ giữ doanh số hàng chục tỷ USD về các ngành truyền thống nên đội ngũ của họ hầu hết tập trung vẫn là công nghệ thông tin. Trong khi đó, Việt Nam dễ dàng chuyển sang lĩnh vực chưa to, chưa nhiều chục tỷ USD, nhưng tăng trưởng rất nhanh, đó là chuyển đổi số. Điều này tạo điều kiện để chúng ta đạt doanh số 11 tỷ USD ngày hôm nay.


Ông Trương Gia Bình cũng chỉ ra một biến cố rất đặc biệt, đem lại tăng trưởng trong nhiều năm tới, đấy chính là mâu thuẫn địa chính trị. Khi các cường quốc rút ra khỏi Trung Quốc, họ chuyển giao công việc ấy cho Việt Nam. Thậm chí họ còn chuyển giao đội ngũ đã dày công xây dựng nhiều năm cho Việt Nam. Bằng cách đó, FPT đã rút ngắn con đường tích lũy các kiến thức, bí kíp về ngành, công nghệ. Bây giờ khi Việt Nam đã có một đội ngũ tương đương các nước phát triển về CNTT, chúng ta cần phải thay đổi. Nghị quyết 57 như một chỉ dấu về vận nước đã đến.


W-truong gia binh 76345.jpg
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình kỳ vọng rằng, vào năm 2030, Việt Nam sẽ là một trong các quốc gia cung ứng hạ tầng về tính toán trí tuệ nhân tạo hàng đầu trong khu vực. Ảnh: Hoàng Hà.

Tại diễn đàn này, Chủ tịch FPT đưa ra 3 cam kết là tập trung vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn, công nghệ ô tô, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Chủ tịch FPT kỳ vọng rằng, vào năm 2030, Việt Nam sẽ là một trong các quốc gia cung ứng hạ tầng về tính toán trí tuệ nhân tạo hàng đầu trong khu vực.


Tại diễn đàn này, Chủ tịch VNPT Tô Dũng Thái cam kết, đến 2027, VNPT sẽ làm chủ mô hình GenAI Make in Viet Nam trên các lĩnh vực ngôn ngữ, hình ảnh, thông tin, dữ liệu. Trong đó, mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, người Việt tối thiểu đạt mức độ 100 tỷ tham số, có sự hiểu biết vượt trội về văn hóa, lịch sử, địa lý Việt Nam, giải quyết được những vấn đề lớn của Việt Nam. Đến năm 2027, VNPT sẽ làm chủ công nghệ để xây dựng bản sao số cho các thành phố, bao gồm phát triển bản đồ số quốc gia 3D Make in Viet Nam, hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường, giao thông, logistics, giáo dục, y tế, công thương, các công trình ngầm, không gian mặt đất, không gian vệ tinh.


Chủ tịch tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính đưa ra cam kết CMC sẽ xây dựng nền tảng điện toán đám mây CMC Cloud trở thành nền tảng dẫn đầu Việt Nam, sở hữu năng lực công nghệ của người Việt như công nghệ ảo hóa máy chủ, công nghệ ảo hóa lớp mạng, ảo hóa lưu trữ. Đến năm 2028, CMC sẽ đầu tư một trung tâm điện toán đám mây hàng đầu khu vực với quy mô 80MW, hoàn toàn do Việt Nam làm chủ.


Chủ tịch hãng hàng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo thì khẳng định, Nghị quyết 57 đã đặt ra định hướng rõ ràng. Vietjet cam kết đầu tư cho nghiên cứu, phát triển để làm chủ công nghệ số chiến lược đã được đề ra như công nghệ Blockchain. Vietjet đã xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể như đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ Blockchain, nền tảng quan trọng của nền kinh tế số. Bên cạnh đó sẽ hợp tác sâu rộng với các đối tác trong và ngoài nước để nâng cao năng lực, đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số.


Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Chủ tịch Misa Lữ Thành Long cam kết trong 5 năm tới sẽ đầu tư 2.500 tỷ đồng cho việc xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) AI với tối thiểu 100 tỷ tham số và chuyên sâu cho xử lý văn bản quy phạm pháp luật Nhà nước, kế toán, thuế và quản trị doanh nghiệp. Điều này rất hữu ích cho cơ quan, chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó sẽ phát triển chuyên sâu nông nghiệp, hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi và trồng trọt nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam ngày càng giàu mạnh và hùng cường.


Phát biểu đáp từ tại diễn đàn này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hứa với đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, ngay trong năm 2025 này, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ có sự phát triển bứt phá cả về tổng doanh thu, đặc biệt là tăng tỷ lệ giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số, cả về doanh thu từ thị trường nước ngoài, cả về làm chủ ứng dụng, sản phẩm, dịch vụ và cả về tự cường công nghệ, với tốc độ tăng trưởng gấp từ 2 – 3 lần tốc độ tăng GDP của đất nước.









Doanh nghiep cong nghe so can dan than vao cac linh vuc cong nghe tien phong


Tong Bi thu To Lam nhan manh, doanh nghiep cong nghe so can tap trung xay dung cac san pham dich vu mang tinh dot pha, tao ra gia tri thuc su, phuc vu loi ich cua nguoi dan va cua nen kinh te, dap ung nhu cau cua thi truong trong nuoc va quoc te.

Doanh nghiệp công nghệ số cần dấn thân vào các lĩnh vực công nghệ tiên phong

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, doanh nghiệp công nghệ số cần tập trung xây dựng các sản phẩm dịch vụ mang tính đột phá, tạo ra giá trị thực sự, phục vụ lợi ích của người dân và của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Doanh nghiệp công nghệ số cần dấn thân vào các lĩnh vực công nghệ tiên phong
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: