Tại phiên Hội thảo "Công nghiệp bán dẫn Việt Nam C=SET+1", thuộc khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia về Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Make in Viet Nam) lần thứ VI, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết, theo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050, giai đoạn một đặt ra mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư, cử nhân chuyên ngành bán dẫn, với quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm.
Nhấn mạnh yếu tố nhân lực trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, ông Lịch cho rằng, nhân lực cũng chính là yếu tố biến Việt Nam trở thành "thỏi nam châm" thu hút các đại bàng công nghệ, trong đó có nhiều gã khổng lồ bán dẫn toàn cầu trong thời gian vừa qua.
Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ của Tập đoàn Sovico Group chia sẻ, các kỹ sư người Việt với đặc tính chăm chỉ và giỏi toán học - vật lý, thường đảm nhận những vị trí cao trong khâu thiết kế bán dẫn nói riêng và sản xuất bán dẫn nói chung.
Trong khi đó, ông Trần Phú Sơn, Giám đốc phát triển kinh doanh FPT Semiconductor cho hay, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư bán dẫn, trong đó nhiều kỹ sư đang đầu quân cho FPT Semi. Công ty này cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, FPT sẽ có 10.000 kỹ sư ngành bán dẫn.
Theo đại diện FPT Semi, ngành bán dẫn đang đối mặt với một số thách thức, như cạnh tranh quy mô toàn cầu, đến ngay từ những quốc gia trong khu vực cũng như sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kinh nghiệm.
Theo ông Cường, kỹ sư công nghệ với các khóa học ngắn hạn vẫn có thể đảm nhận khâu thiết kế chip, do bản chất quy trình này "không phải phát triển từ con số không, mà đều dựa trên những nền tảng sẵn có của thế giới".
Đào tạo nhân lực ngay tại "cái nôi" bán dẫn châu Á
Đài Loan (Trung Quốc) là quê hương của các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới. Với hệ sinh thái bán dẫn mạnh mẽ, các xưởng đúc chip tại Đài Loan chiếm 63,8% thị trường toàn cầu. Công đoạn đóng gói và thử nghiệm (OSAT) cũng lớn nhất thế giới với 58,6% thị phần.
Theo một ước tính, hòn đảo này là nguồn cung cấp 80% đến 90% chip cao cấp cho các ứng dụng tiên tiến như smartphone và AI. Do đó, việc được học tập và làm việc ngay tại "cái nôi" bán dẫn sẽ giúp các kỹ sư Việt Nam nhanh chóng có những kinh nghiệm cần thiết.
Đại diện Tập đoàn Sovico đánh giá, việc đào tạo nhân lực bán dẫn không thể chỉ diễn ra trong một sớm một chiều, khi một kỹ sư sẽ cần ít nhất 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành.
Để giải quyết bài toán này, ông Cường chia sẻ về "Chương trình đào tạo bán dẫn 2+2+4" với các trường Đại học của Đài Loan (Trung Quốc).
"2+2+4" được lý giải bao gồm: Sinh viên sẽ hoàn thành chương trình 2 năm học tại Đại học Việt Nam, sau đó được đài thọ học phí và sinh hoạt phí cho 2 năm theo học tại Đài Loan. Các sinh viên tốt nghiệp nhận bằng đại học do Đại học Đài Loan cấp và có cơ hội làm việc trong 4 năm tiếp theo cho các công ty bán dẫn tại đây.
Đánh giá cao sáng kiến này, ông Nguyễn Khắc Lịch tin tưởng với tiềm lực và quyết tâm của các doanh nghiệp số Việt Nam, mục tiêu 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030 là có thể đạt được.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, ông Lịch cho biết, phát triển chip chuyên dụng là một trọng tâm trong chiến lược phát triển bán dẫn Việt Nam, do đây là những sản phẩm dễ thiết kế, dễ chế tạo hơn so với chip đa dụng của các công ty hàng đầu như Nvidia, AMD hay Intel.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần làm chủ công nghệ để giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài và tăng cường năng lực sản xuất trong nước. Trước mắt, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng và vận hành một nhà máy sản xuất chip quy mô nhỏ, nhưng công nghệ cao từ giờ đến năm 2030.
"Một quốc gia không có nhà máy bán dẫn, sẽ không được coi là một quốc gia bán dẫn", lãnh đạo Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông khẳng định.