Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết đã xác định các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đề ra 7 nhóm nhiệm vụ để đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh.
Hưởng ứng lời hiệu triệu của Bộ Chính trị, tại diễn đàn Make in Viet Nam lần thứ VI, nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ, tiên phong nhận nhiệm vụ đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.
Tập đoàn Viettel, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tào Đức Thắng đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng trong lĩnh vực viễn thông và bán dẫn.
Ông Thắng cho biết: "Viettel đặt mục tiêu đến năm 2027 sẽ có các thiết bị 5G tiên tiến, cùng với hệ sinh thái lõi mạng truyền dẫn cho 5G, giúp kết nối nhanh hơn, chính xác hơn, phục vụ chuyển đổi số. Mục tiêu của chúng tôi đến năm 2030 là có các thiết bị 6G đầu tiên cung cấp thương mại".
Tập đoàn Viettel cũng hướng tới xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam vào năm 2030, cũng như nghiên cứu sản xuất vệ tinh quy mô nhỏ tầm thấp.
Tập đoàn VNPT, thông qua Tổng giám đốc Huỳnh Quang Liêm, cam kết làm chủ mô hình Gen AI Make in Viet Nam vào năm 2027, với mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt đạt tối thiểu 100 tỷ tham số, có sự hiểu biết vượt trội về văn hóa, lịch sử, địa lý Việt Nam, giải quyết được những vấn đề lớn của Việt Nam.
VNPT cũng hướng tới việc xây dựng bản sao số cho các thành phố, bao gồm bản đồ số quốc gia 3D và nền tảng kết nối quản lý IoT. Ông Liêm nhấn mạnh: "Trong năm 2025, VNPT sẽ tiếp tục phát triển các trung tâm điều hành thông minh tại các bộ, ngành, địa phương để qua đó giúp đưa toàn bộ phần mềm của cơ quan Nhà nước trực tuyến".
FPT, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình, đặt mục tiêu trở thành tập đoàn công nghệ số tầm cỡ toàn cầu với doanh thu từ nước ngoài đạt 5 tỷ USD vào năm 2030. Ông Bình cam kết: "Chúng tôi sẽ đào tạo ra 10.000 kỹ sư bán dẫn, cam kết đào tạo 50.000 kỹ sư AI và cung cấp kỹ năng, kiến thức về AI cho nửa triệu kỹ sư công nghệ thông tin vào năm 2030".
CMC, do Chủ tịch Nguyễn Trung Chính đại diện, cam kết xây dựng nền tảng điện toán đám mây CMC Cloud dẫn đầu Việt Nam và đầu tư trung tâm điện toán đám mây quy mô 80MW vào năm 2028.
CMC cũng hướng tới việc xây dựng nền tảng tri thức Việt AI (hay C-Open AI), cam kết tạo ra trợ lý ảo cho công chức, viên chức và người dân trong lĩnh vực pháp lý.