Liên Hợp Quốc thành lập cơ quan tư vấn trí tuệ nhân tạo

Ngày 26/10, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thông báo thành lập một cơ quan tư vấn nhằm thúc đẩy thỏa thuận toàn cầu về cách quản lý lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).


Hội đồng chuyên gia sẽ bao gồm 39 học giả, giám đốc điều hành trong ngành và quan chức chính phủ từ 33 quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia đã thực hiện các cách tiếp cận khác nhau đối với quản trị AI.


9jqvnt4v.png
Liên Hợp Quốc thành lập cơ quan mới nhằm thúc đẩy thỏa thuận toàn cầu về cách quản lý lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). (Ảnh: Investopedia)

Mục tiêu của cơ quan mới là đạt được sự đồng thuận về những rủi ro và thách thức của AI, giúp khai thác công nghệ để phát triển và tăng cường hợp tác quốc tế về quản trị trí tuệ nhân tạo. Dự kiến, cuộc họp đầu tiên diễn ra vào ngày 27/10 và đưa ra các khuyến nghị sơ bộ về cách quản lý AI vào cuối năm nay, với các khuyến nghị cuối cùng sẽ được đưa ra vào giữa năm 2024.


Tại buổi họp báo ngày 26/10, ông Guterres cho biết cơ quan mới sẽ phải chạy đua với thời gian. Ông cảnh báo về những rủi ro mà công nghệ AI có thể đem lại nếu Liên Hợp Quốc và các chính phủ trên khắp thế giới không hành động nhanh chóng.


Các chuyên gia sẽ xem xét các mô hình quản trị khác nhau và quyết định xem có cần một cơ quan quốc tế tương tự như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho AI hay không. Dù vậy, các khuyến nghị của cơ quan tư vấn không bắt buộc và tùy thuộc vào các quốc gia thành viên để quyết định xem họ có muốn thành lập hoặc tham gia một cơ quan như vậy hay không.


Mỹ và Trung Quốc - hai siêu cường AI của thế giới - có thể khó đạt được sự đồng thuận về cách quản lý trí tuệ nhân tạo khi họ chạy đua để thống trị không gian này. Mỹ đã cố gắng kiềm chế sự phát triển AI của Trung Quốc bằng cách áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu khác nhau đối với công nghệ.


Trong khi đó, Trung Quốc thực hiện một cách tiếp cận từ trên xuống đối với quản trị AI, đưa ra một trong những quy định đầu tiên trên thế giới về AI tạo sinh trong năm nay. Ngược lại, ở Mỹ, Big Tech mới là bên đang chi phối cách định hình chính sách AI.


Các thành viên Mỹ của cơ quan cố vấn Liên Hợp Quốc bao gồm các giám đốc điều hành từ Google, Microsoft và OpenAI, trong khi hai giáo sư từ Trung Quốc có mặt trong hội đồng. Các thành viên khác đến từ châu Á bao gồm Giám đốc Công nghệ tập đoàn Sony Hiroaki Kitano; Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ thông tin cá nhân Hàn Quốc Haksoo Ko và Giám đốc AI của Chính phủ Singapore He Ruimin.


Thông cáo báo chí của Liên Hợp Quốc nêu cơ quan mới sẽ giúp kết nối các sáng kiến hiện có và mới nổi khác về quản trị AI.


Chính phủ khắp thế giới đang tìm cách khai thác công nghệ mạnh mẽ này. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến công bố một sắc lệnh hành pháp được mong đợi từ lâu về AI ngay tuần sau. Vương quốc Anh sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI vào tuần tới để thảo luận về các vấn đề.


(Theo Nikkei)


Liên Hợp Quốc thành lập cơ quan tư vấn trí tuệ nhân tạo Nhận định lạc quan về tương lai của trí tuệ nhân tạo Việt NamTại Diễn đàn công nghệ quốc tế FPT (FPT Techday) được tổ chức sáng 24/10, nhiều chuyên gia đã đưa ra những nhận định đầy lạc quan về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.