Chiều 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi).
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới là dịch vụ OTT viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây.
Trước ý kiến trên, ông Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo luật điều chỉnh 3 dịch vụ mới so với Luật Viễn thông năm 2009 là cần thiết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây đã trở thành những thành phần quan trọng của hạ tầng số quốc gia, hạ tầng của nền kinh tế số. Việc điều chỉnh kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây sẽ tạo môi trường pháp lý rõ ràng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Còn việc điều chỉnh dịch vụ OTT viễn thông sẽ tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Nhiều quốc gia đã quy định OTT viễn thông là dịch vụ viễn thông, được quản lý theo pháp luật về viễn thông.
Theo ông Lê Quang Huy, có ý kiến đề nghị cần tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm triển khai việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng quy định các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá và quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và mức tiêu dùng của người dân.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến nhất trí tiếp tục duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích nhưng cần hoàn thiện hành lang pháp lý để hoạt động hiệu quả. Có ý kiến đề nghị đánh giá sự cần thiết, hiệu quả hoạt động của Quỹ và những vướng mắc trong thời gian qua.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo đánh giá tổng kết của Bộ TT&TT, hoạt động của quỹ từ khi thành lập năm 2005 đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực.
Quỹ đã hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đối tượng công ích trên toàn quốc chi phí sử dụng dịch vụ viễn thông công ích và thiết bị đầu cuối.
Đấu giá ‘số đẹp’ để tăng thu ngân sách
Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đồng tình với nội dung về giá khởi điểm đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động. Tuy nhiên, theo ông trong thực tế rất nhiều số thuê bao có giá trị rất cao so với giá khởi điểm là 262.000 đồng.
Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, cần phân nhóm ‘số đẹp’ đưa ra đấu giá để tăng thu ngân sách, nhưng giảm được số lượng người trúng đấu giá mà không lấy.
“Với số đẹp, nhiều người sẵn sàng đấu giá từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Sau đó họ bỏ số đó với lý do giá không hợp lý nhưng chỉ mất số tiền cọc 262.000 đồng”, ông Cảnh nói và đề nghị đơn vị soạn thảo dự luật tham khảo việc thí điểm đấu giá biển số ô tô.
Cho ý kiến về dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi, ông Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá cao ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật cơ bản đáp ứng theo yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) đồng thuận với ban soạn thảo dự án luật về các nội dung để ra nhằm đáp ứng theo yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Quan tâm đến vấn đề ‘chuyển mạng giữ số’ điện thoại, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, cần quy định trách nhiệm của các nhà mạng khi thực hiện việc này. Bởi theo bà, việc chuyển mạng giữ số là dịch vụ viễn thông cơ bản mà mọi người dân được hưởng. Ở nhiều nước, dịch vụ chuyển mạng giữ số được thực hiện online với thời gian khoảng từ 1 đến 2 giờ.
Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cơ bản tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý và dự thảo luật. Ông đề nghị quy định một số chính sách có tính nguyên tắc để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng vào khu vực vùng sâu, vùng xa. Bởi đây là những vùng có địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, đầu tư tốn kém, người sử dụng dịch vụ hạn chế, khó hoàn trả vốn.
Đấu giá kho số là xu hướng phát triển
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự thảo luật, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ghi nhận các ý kiến tâm huyết, sâu sắc của đại biểu đóng góp hoàn thiện dự thảo luật; các ý kiến góp ý sẽ được tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Về quy định đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet, ông Lê Quang Huy cho biết, đây là xu hướng phát triển, vấn đề này không chỉ được điều chỉnh trong Luật Viễn thông mà cả trong Luật Tần số vô tuyến điện. Vấn đề này sẽ được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đảm bảo quy định pháp luật có liên quan, trong đó có pháp luật về đấu giá.
Với 3 dịch vụ mới (OTT viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây), ông Lê Quang Huy cho biết, đây là vấn đề nhận được sự quan tâm đồng thuận của nhiều đại biểu để đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện vừa đảm bảo công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, quyền lợi của người sử dụng.
Đối với ý kiến về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết đây là vấn đề quan trọng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Thời gian qua Quỹ này hoạt động hiệu quả nhưng cũng còn một số hạn chế, vì vậy được sửa đổi các quy định để đảm bảo hiệu quả hơn.
“Trong quá trình khảo sát, đặc biệt là đi vùng sâu, vùng xa như lên Sơn La, Lai Châu hoặc là vùng cao của Nghệ An, Thanh Hoá… chúng tôi thấy Quỹ dịch vụ viễn thông công ích hết sức quan trọng và cần thiết. Bởi vì một số doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ ở đó nếu như không có sự hỗ trợ thì rất khó làm”, ông Lê Quang Huy nói.
Giải trình và tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về Luật Viễn thông sửa đổi, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sẽ hoàn thiện dự luật với mục tiêu xây dựng hạ tầng số dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, mở và an toàn.