Một trong những lý do chính khiến lượng người dùng Windows 11 vẫn tương đối thấp là do các yêu cầu nghiêm ngặt về phần cứng, khiến ngay cả một số PC khá mới cũng không thể cập nhật lên hệ điều hành này được. Ngoài ra, Microsoft cũng đã bắt buộc máy tính Windows 11 phải có module bảo mật TPM 2.0, tiếp tục là một rào cản làm giảm số lượng thiết bị có thể cài đặt hệ điều hành mới.
Tuy nhiên, “trong cái khó ló cái khôn”, người dùng cũng đã tìm được cách để cài đặt Windows 11 trên các máy không được hỗ trợ, nhưng các bước cài đặt vẫn còn hơi phức tạp. Nhưng mới đây, một phương pháp đơn giản để vượt qua các hạn chế mà không cần dùng đến các thủ thuật rắc rối hoặc tiện ích của bên thứ ba đã được chia sẻ trên mạng xã hội.
Theo người dùng X (Twitter) Bob Pony, chỉ cần thêm dòng code "/product server" vào setup.exe trong thư mục cài đặt Windows 11 sẽ cho phép người dùng bỏ qua các hạn chế và cài đặt Windows 11 trên hầu hết mọi PC.
Theo Techspot, phương pháp này ban đầu được khám phá bởi một người dùng Windows 11 khác, đã đăng trên diễn đàn ở Việt Nam hơn một năm trước. Tuy nhiên, nó đã không được chú ý cho đến gần đây khi người dùng X Tomy Kwong dẫn ra bài đăng gốc.
Thủ thuật "/product server" vẫn còn hoạt động dù trên cả bản build Canary mới nhất của Windows 11, nhưng vẫn còn phải xem liệu Microsoft có đóng lỗ hổng này trong tương lai hay không.
Những ai quan tâm đến việc cài đặt Windows 11 trên các PC không được hỗ trợ nên lưu ý rằng hệ điều hành này chạy tốt trên hầu hết các thiết bị tương thích với Windows 10. Tuy nhiên, một số tính năng nhỏ nhất định yêu cầu phần cứng mới hơn và TPM 2.0 có thể không hoạt động trên các thiết bị này. Dù sao thì phương pháp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cấp lên Windows 11 từ các phiên bản Windows cũ hơn, cho phép người dùng tận dụng các tính năng mới và bảo mật nâng cao do hệ điều hành mới nhất của Microsoft cung cấp.
Windows 11 nhìn chung đã nhận được phản hồi tích cực từ người dùng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nó phải đối mặt với một số vấn đề dai dẳng khiến không thể đạt được thành công trọn vẹn. Hai năm sau khi phát hành, hệ điều hành này vẫn tụt hậu so với Windows 10 về thị phần chung. Theo Statcounter, hệ điều hành máy tính mới nhất của Microsoft được cài đặt trên 23% tổng số PC trên toàn cầu, trong khi Windows 10 đang chạy trên 71% tổng số máy tính Windows.
Mặc dù phương pháp mới này sẽ khuyến khích nhiều người nâng cấp lên hệ điều hành mới nhất nhưng nó khó có thể sớm thay thế Windows 10 trở thành hệ điều hành Windows thống trị.
Lấy link