Bước ra từ phiên điều trần kéo dài 3 tiếng về AI, Elon Musk – ông chủ hàng loạt hãng công nghệ nổi tiếng – tóm tắt ngắn gọn rủi ro của công nghệ này: “Có khả năng – lớn hơn 0 – rằng AI sẽ giết tất cả chúng ta. Tôi nghĩ khả năng ấy thấp nhưng không phải không có. Hậu quả khi hiểu sai AI vô cùng thảm khốc”, ông nói với các phóng viên.
Ngoài ra, ông còn nói rằng cuộc họp “sẽ đi vào lịch sử vì tầm quan trọng với tương lai của nền văn minh”.
Phiên họp do Thượng nghị sỹ Chuck Schumer tổ chức đã quy tụ các CEO công nghệ cao cấp, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và hơn 60 thượng nghị sĩ lại với nhau. Phiên họp đầu tiên trong số chín phiên họp nhằm mục đích phát triển sự đồng thuận khi Thượng viện chuẩn bị soạn thảo luật để điều chỉnh ngành công nghiệp AI. Thành phần tham gia còn có CEO của Meta, Google, OpenAI, Nvidia và IBM.
Tất cả những người tham dự đều giơ tay - biểu thị "có" - khi được hỏi liệu chính phủ liên bang có nên giám sát AI hay không, ông Schumer phát biểu trước các phóng viên vào chiều 13/9. Nhưng sự đồng thuận về vai trò đó nên là gì và chi tiết cụ thể về luật pháp vẫn còn khó nắm bắt, theo những người tham dự.
Lợi ích và rủi ro
Bill Gates đã nói về tiềm năng của AI với người nghèo đói, trong khi một người tham dự giấu tên kêu gọi chi hàng chục tỷ USD để mở khóa lợi ích của AI, theo ông Schumer.
Thách thức đối với Quốc hội là thúc đẩy những lợi ích đó trong khi giảm thiểu rủi ro xã hội của AI, bao gồm khả năng phân biệt đối xử dựa trên công nghệ, các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và thậm chí, như chủ sở hữu X - Musk nói, "rủi ro với nền văn minh".
Ông Schumer cho rằng tối đa hóa lợi ích mà vẫn giảm thiểu tác hại là nhiệm vụ khó khăn.
Các thượng nghị sĩ đã nghe một loạt các quan điểm, với đại diện từ các công đoàn lao động nêu lên vấn đề việc làm, còn các nhà lãnh đạo dân quyền nhấn mạnh sự cần thiết phải có một quy trình lập pháp toàn diện mang đến tiếng nói cho những người ít quyền lực nhất trong xã hội.
Hầu hết đều đồng ý rằng AI không thể bị bỏ mặc, Thượng nghị sĩ Dân chủ Washington Maria Cantwell cho biết. CEO Microsoft Satya Nadella nêu quan điểm: “Khi nói đến AI, chúng ta không nên nghĩ về chế độ lái tự động. Bạn cần phải có người đồng hành".
Sau sự kiện, Musk nói với các nhà báo ông nghĩ một lúc nào đó sẽ có một cơ quan độc lập để điều chỉnh AI.
Cuộc gặp gỡ của những trí tuệ kiệt xuất
Ông Schumer lưu ý đây là “cuộc thảo luận chưa từng có ở Quốc hội”.
Nó cho thấy nhận thức ngày càng tăng của các nhà hoạch định chính sách về trí tuệ nhân tạo và đặc biệt là AI tạo sinh như ChatGPT, có thể đột phá kinh doanh và cuộc sống hàng ngày theo nhiều cách, từ tăng năng suất thương mại đến đe dọa việc làm, an ninh quốc gia và sở hữu trí tuệ.
Các vị khách quan trọng đã đến ngay trước 10 giờ sáng, với CEO Meta Mark Zuckerberg tạm dừng để trò chuyện với CEO Nvidia Jensen Huang bên ngoài Phòng họp kín Kennedy của tòa nhà văn phòng Thượng viện Russell. CEO Google Sundar Pichai được nhìn thấy đang túm tụm với Thượng nghị sĩ Dân chủ Delaware Chris Coons, trong khi chủ sở hữu X Musk vẫy tay với đám đông.
Bên trong, Musk ngồi ở cuối phòng đối diện với Zuckerberg, đây có thể là lần đầu tiên hai người đàn ông ở chung phòng kể từ khi họ bắt đầu thách đấu võ thuật cách đây vài tháng.
Phiên họp tại Đồi Capitol ở Washington cũng mang lại cho ngành công nghiệp công nghệ cơ hội quan trọng nhất từ trước đến nay để ảnh hưởng đến cách các nhà lập pháp thiết kế các quy tắc có thể chi phối AI.
Một số công ty, bao gồm Google, IBM, Microsoft và OpenAI, đã đưa ra các đề xuất chuyên sâu của riêng họ trong sách trắng và bài đăng trên blog mô tả các lớp giám sát, thử nghiệm và minh bạch.
CEO IBM, Arvind Krishna, lập luận trong cuộc họp rằng chính sách của Mỹ nên điều chỉnh việc sử dụng AI một cách rủi ro, thay vì chỉ các thuật toán. "Quy định phải tính đến bối cảnh mà AI được triển khai", ông nói.
Kêu gọi quản lý
Các giám đốc điều hành như CEO OpenAI Sam Altman trước đây đã khiến một số thượng nghị sĩ ngạc nhiên khi công khai kêu gọi sớm ban hành các quy tắc quản lý AI, điều mà một số nhà lập pháp coi là sự tương phản đáng hoan nghênh so với ngành truyền thông xã hội.
Các nhóm xã hội dân sự lên tiếng lo ngại về những nguy hiểm có thể xảy ra của AI, chẳng hạn nguy cơ các thuật toán được đào tạo kém có thể vô tình phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số hoặc họ có thể sao chép các tác phẩm có bản quyền của các nhà văn và nghệ sĩ trái phép. Một số tác giả đã kiện OpenAI, trong khi những người khác yêu cầu các công ty AI trả tiền trong thư ngỏ.
Các nhà xuất bản tin tức như CNN, The New York Times và Disney đã chặn ChatGPT sử dụng nội dung của họ.
Chủ tịch Liên đoàn Giáo viên Hoa Kỳ Randi Weingarten cho biết nước Mỹ không thể mắc sai lầm tương tự với AI như với mạng xã hội. "Chúng ta đã không hành động sau khi tác hại của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em trở nên rõ ràng", bà nói trong một tuyên bố. "AI cần bổ sung chứ không phải thay thế các nhà giáo dục và phải đặc biệt quan tâm để ngăn chặn tác hại cho học sinh".
Xây dựng chính sách
Đầu hè này, ông Schumer đã tổ chức ba phiên thông tin cho các thượng nghị sĩ để bắt kịp tốc độ về công nghệ, bao gồm một cuộc họp mật có mặt các quan chức an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Cuộc họp hôm 13/9 với các giám đốc điều hành công nghệ và các tổ chức phi lợi nhuận đã đánh dấu giai đoạn tiếp theo của việc giáo dục các nhà lập pháp về vấn đề này trước khi họ bắt tay vào phát triển các đề xuất chính sách. Hồi tháng 6, Thượng nghị sỹ Schumer nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cách tiếp cận cẩn thận, có chủ ý và thừa nhận rằng "theo nhiều cách, chúng tôi đang bắt đầu lại từ đầu".
"AI không giống với bất cứ điều gì Quốc hội đã xử lý trước đây", ông nói, lưu ý rằng chủ đề này khác với lao động, chăm sóc sức khỏe hoặc quốc phòng. "Các chuyên gia thậm chí không chắc chắn những câu hỏi nào mà các nhà hoạch định chính sách nên hỏi".
Ông nói thêm rằng mục tiêu sau khi tổ chức nhiều phiên họp hơn là soạn thảo luật trong "nhiều tháng, không phải nhiều năm".
Một loạt các dự luật AI đã xuất hiện trên Đồi Capitol và tìm cách kiềm chế ngành công nghiệp theo nhiều cách khác nhau, nhưng sự thúc đẩy của Schumer thể hiện nỗ lực cấp cao hơn để điều phối chương trình nghị sự lập pháp của Quốc hội về vấn đề này.
Luật AI mới cũng có thể đóng vai trò là điểm tựa tiềm năng cho các cam kết tự nguyện mà một số công ty AI đã đưa ra với chính quyền Tổng thống Joe Biden vào đầu năm nay để đảm bảo các mô hình AI của họ trải qua thử nghiệm trước khi chúng được phát hành ra công chúng.
Nhưng ngay cả khi các nhà lập pháp chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, họ đã chậm hơn nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm, so với Liên minh châu Âu, dự kiến sẽ hoàn thiện luật AI sâu rộng vào cuối năm nay. Luật có thể cấm sử dụng AI cho dự đoán chính sách và hạn chế dùng nó trong các bối cảnh khác.
(Theo CNN)
Việt Nam cần tăng tốc hơn nữa trong cuộc đua về trí tuệ nhân tạoBằng những nỗ lực và hợp lực từ tất cả các cấp, kết hợp với nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo (AI) chất lượng cao tại Việt Nam như hiện nay, Việt Nam cần phải tăng tốc hơn nữa trong cuộc đua này.