Chính sách này không chỉ thể hiện cam kết giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền sản xuất quốc gia.
Mở rộng năng lực sản xuất nội địa
Chính phủ Ấn Độ đã triển khai chiến lược “Make in India” vào năm 2014 dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, với mục tiêu biến Ấn Độ trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, ô tô, dược phẩm, và năng lượng tái tạo.
Chính sách này không chỉ hướng tới việc phát triển các ngành công nghiệp trong nước mà còn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tạo ra công ăn việc làm và gia tăng xuất khẩu.
Theo The Economic Times, chiến lược “Make in India” đã thành công trong việc thu hút hàng tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành công nghiệp chế tạo, đặc biệt là ngành công nghiệp điện tử và ô tô.
Các công ty lớn như Foxconn, Samsung và Tata Motors đã xây dựng các nhà máy sản xuất ở Ấn Độ, tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân.
Theo số liệu từ Cục Thống kê và Chính sách Công nghiệp Ấn Độ (DIPP), trong giai đoạn từ 2014 đến 2021, Ấn Độ đã thu hút hơn 71 tỷ USD đầu tư FDI trong lĩnh vực sản xuất, tăng mạnh so với mức 26 tỷ USD trong giai đoạn 2009-2014 trước khi chính sách này được triển khai.
Deloitte India cho biết, chính sách Make in India đã góp phần tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm trong ngành công nghiệp chế tạo từ năm 2014 đến 2020.
Chính sách này cũng đã thúc đẩy các ngành công nghiệp trọng điểm như ô tô, điện tử, dược phẩm, và vũ khí, trong đó ngành sản xuất ô tô tăng trưởng mạnh mẽ.
Đến thời điểm đầu năm 2024, Ấn Độ đã là nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới, với các tên tuổi lớn như Tata Motors và Maruti Suzuki.
Cốt lõi là công nghệ cao
Trong khi nhiều quốc gia đang cố gắng nâng cao năng lực sản xuất nội địa, Trung Quốc đã triển khai chiến lược “Made in China 2025”, vào năm 2015 với tham vọng biến quốc gia này thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao.
Chính phủ Trung Quốc đặc biệt tập trung vào các ngành công nghiệp như robot, máy bay không người lái, xe điện và dược phẩm.
“Made in China 2025” liên quan đến các khoản trợ cấp của chính phủ, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, sáng tạo và đặt ra bài toán cho sản xuất tại địa phương.
Kế hoạch cũng căn cứ vào các chính sách trước đó của chính phủ trong khuyến khích hoặc yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài muốn tiếp cận thị trường trong nước phải thành lập liên doanh hoặc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp nội địa.
Theo The Wall Street Journal, chiến lược này đã giúp Trung Quốc đẩy mạnh việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành như điện tử, ô tô và sản xuất thiết bị y tế.
Các công ty Trung Quốc, bao gồm Huawei và BYD, đã trở thành những cái tên lớn trong ngành công nghệ toàn cầu nhờ vào các chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước.
Chi tiêu của Trung Quốc cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đang nhanh chóng tiến gần đến mức trung bình của 38 quốc gia phát triển trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Theo Jeongmin Seong, đối tác tại Viện McKinsey Global, tính theo giá trị, Trung Quốc hiện chiếm 34% sản lượng sản xuất toàn cầu, tăng từ 19% vào năm 2010. Năm ngoái, Trung Quốc đã lắp đặt nhiều robot công nghiệp hơn phần còn lại của thế giới cộng lại.
Trung Quốc cũng đã đạt được tiến bộ rõ rệt trong việc thay thế các thành phần công nghiệp nước ngoài bằng các phiên bản địa phương.
Theo công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, nhập khẩu sản xuất, chiếm khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội trong giai đoạn 2016-2021, nay đã giảm xuống còn 8,5%.
Nền tảng cho kinh tế xanh bền vững
Khác với những quốc gia khác, Liên minh châu Âu (EU) không có chính sách cụ thể mang tên “Make in”, song khối có những chiến lược và chính sách có nội hàm tương tự như “Make in” của Ấn Độ và Trung Quốc.
Chẳng hạn, EU đã triển khai Chương trình Kế hoạch Công nghiệp châu Âu nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đồng thời tăng cường tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp trong khu vực.
Mục tiêu là giúp các công ty châu Âu duy trì vị thế dẫn đầu trong các lĩnh vực chiến lược như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, xe điện, và sản xuất bền vững.
Bên cạnh đó, EU cũng khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến như tự động hóa và AI trong các ngành sản xuất với chính sách Công nghiệp 4.0 và Đổi mới sáng tạo.
EU Observer nhận định, mục tiêu chính của EU là tạo ra một nền sản xuất thông minh, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, do đó họ cũng thúc đẩy những sáng kiến hỗ trợ sản xuất sạch hơn và giảm phát thải khí nhà kính như Thỏa thuận Xanh, từ đó giữ vững mục tiêu kép thúc đẩy ngành sản xuất nội khối và bảo vệ môi trường.
Việc tập trung vào công nghệ số và sản xuất xanh cũng giúp các quốc gia thành viên EU tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Tại Việt Nam, “Make in Viet Nam” được đưa ra năm 2019 nhằm cổ vũ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp công nghệ số vươn ra biển lớn, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao vị thế đất nước trong chuỗi giá trị toàn cầu.