Theo lệnh cấm xuất khẩu mới nhất, Mỹ cho phép 20 đồng minh và đối tác thân cận tiếp cận không hạn chế chip bán dẫn liên quan đến AI, song yêu cầu hầu hết nước khác phải xin phép. Động thái này ngay lập tức bị ngành công nghiệp bán dẫn trong nước phản đối.
Financial Times nhận định, mục đích của chính sách nhằm khiến Trung Quốc không thể thông qua các nước khác để lách các hạn chế hiện tại để có được công nghệ dùng trong mô hình vũ khí hạt nhân đến tên lửa siêu thanh.
Chính sách tạo ra hệ thống cấp phép ba cấp đối với các chip dùng trong trung tâm dữ liệu. Cấp cao nhất, bao gồm các thành viên G7 và các nước như Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan và Ireland.
Cấp thứ ba bao gồm các nước như Trung Quốc, Iran, Nga và Triều Tiên. Cấp trung gồm hơn 100 quốc gia, bị giới hạn giấy phép xuất khẩu.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết chính sách này đảm bảo các biện pháp kiểm soát mới không "bóp nghẹt sự đổi mới hoặc dẫn đầu về công nghệ của Mỹ". Tuy nhiên, nó gây ra phản ứng dữ dội từ ngành công nghiệp bán dẫn nội địa. EU cũng lên án các quy tắc mới.
Trong một tuyên bố chung, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Henna Virkkunen và ủy viên Maroš Šefčovič bày tỏ lo ngại các quốc gia thành viên EU và công ty bị hạn chế quyền tiếp cận chip AI tiên tiến. Họ nói thêm rằng EU đại diện cho "cơ hội kinh tế đối với Mỹ, không phải là rủi ro an ninh”.
John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, nói “vô cùng thất vọng” vì chính sách có quy mô và tác động lớn như vậy lại được ban hành vội vã trước thời điểm chuyển giao chính quyền mà không có bất kỳ sự góp ý nào từ ngành.
Theo ông, quy tắc mới có thể gây ra thiệt hại không mong muốn và lâu dài cho nền kinh tế và khả năng cạnh tranh toàn cầu về chất bán dẫn, AI của Mỹ khi nhường thị trường chiến lược cho các đối thủ.
Các nguồn tin giấu tên trong ngành chỉ trích động thái này, gọi đó là một bước đi chưa từng có, cho thấy Washington đang cố gắng quản lý vi mô chuỗi cung ứng chip toàn cầu nhằm gây bất lợi cho các đồng minh và các công ty của chính họ như Nvidia, AMD, Dell và Supermicro.
Trên blog, Nvidia khẳng định các quy tắc “không làm được gì để tăng cường an ninh của Mỹ”. Ngược lại, nó sẽ kiểm soát công nghệ toàn cầu, bao gồm công nghệ đang có mặt rộng rãi trên PC và phần cứng cá nhân.
"Các quy tắc mới của ông Biden sẽ chỉ làm suy yếu khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ, làm suy yếu sự đổi mới đã giúp Mỹ dẫn đầu”, blog của Nvidia nêu.
Các nguồn tin trong ngành bày tỏ hy vọng chính quyền ông Donald Trump sắp tới sẽ rút lại các biện pháp kiểm soát.
(Theo FT)