Một ngày cuối tháng 3, Tuo, 30 tuổi, kéo lê chiếc vali ra khỏi cổng nhà máy Pegatron - đối tác lắp ráp iPhone của Apple tại Thượng Hải. Sau một thời gian làm việc tại đây, Tuo quyết định về quê tìm cuộc sống mới.
Đây chỉ là một trong vô số những công nhân buộc phải rời nhà máy sản xuất iPhone vì mức lương ngày càng bị thu hẹp. Thu nhập ban đầu rơi vào khoảng 10.000 nhân dân tệ (34 triệu đồng) nay chỉ còn 3.000-4.000 nhân dân tệ (10-13,6 triệu đồng) - con số được Tuo cho là thấp hơn cả ở quê anh. Anh cũng chia sẻ rằng làm việc trong nhà máy như trò chơi may rủi bởi công nhân không được quyết định bộ phận làm việc cũng như hiệu suất lao động nhiều hay ít.
Khi mới đến Pegatron, anh được giao vị trí quản lý kho hàng nhưng sau đó bị điều chuyển đến dây chuyền sản xuất. Tại đây, Tuo làm 10 tiếng/ngày, bắt con vít nhỏ như hạt gạo vào vỏ smartphone. Ngày cao điểm Tuo phải bắt vít cho 750 điện thoại, nếu không sẽ bị trừ tiền. Chỉ khi hoàn thành chỉ tiêu và tăng đủ ca, những công nhân như Tuo mới nhận được 10.000 nhân dân tệ/tháng.
Như nhiều công nhân khác, Tuo sống tại ký túc xá, mỗi phòng 8 người.
“Giao tiếp xã hội tương đối ít. Thi thoảng tôi ăn tối chung với bạn cùng phòng, chỉ vậy thôi”, Tuo nói, đồng thời cho biết nhờ chi tiêu tiết kiệm nên anh mới gửi được ít tiền về quê.
Sau 3 tháng đầu năm, thu nhập của Zhao giảm 60% do ít việc. Nếu tiếp tục ở lại, lương sẽ còn giảm tiếp.
“5/8 dây chuyền lắp ráp của nhà máy đã dừng hoạt động. Một số được chuyển ra nước ngoài. Hồi đầu năm, nếu muốn làm tại nhà máy lắp ráp iPhone, bạn phải có tiền 'lót tay'. Giờ đây, lương tháng chỉ còn khoảng 3.000 nhân dân tệ. Một số đồng nghiệp của tôi được chuyển công tác song lại bỏ về vì không có việc”, Xu Li, 23 tuổi, công nhân ở Pegatron Thượng Hải, nói.
Trong bối cảnh quy mô sản xuất bị thu hẹp, các nhà máy lắp ráp iPhone tại Trung Quốc đang phải trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn. Một số tìm đường đưa dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Cuối tháng 3, Reuters cho biết Pegatron đang lên kế hoạch mở cơ sở thứ hai ở Ấn Độ, chỉ 6 tháng sau khi mở nhà máy đầu tiên với khoản đầu tư 150 triệu USD. Foxconn từ đầu năm đến nay thì đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm mạnh; nhu cầu tuyển dụng theo đó cũng biến mất.
“Nhiều đơn hàng đã được chuyển đến Ấn Độ. Quản lý được luân chuyển công tác. Quyết định sa thải chỉ là vấn đề thời gian”, một người trong nhà máy nói.
Được biết, khu phức hợp của Foxconn ở Trịnh Châu sản xuất khoảng một nửa số iPhone trên thế giới. Được đặt biệt danh là “Thành phố iPhone”, diện tích nơi đây rơi vào khoảng 5,6 km vuông và khi hoạt động hết công suất sẽ sử dụng khoảng 200.000 công nhân.
Thời kỳ cao điểm, nếu những người mới tuyển dụng làm việc theo ca 10 giờ trong 6 ngày/tuần, họ có thể được trả hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Lương cao đồng nghĩa với việc các công nhân nhà máy phải làm việc cường độ mạnh, chỉ có một tiếng để nghỉ trưa và bị giám sát 24/7, thậm chí uống nước quá lâu cũng bị trừ tiền.
Theo lời kể của một người đàn ông 34 tuổi từng làm việc tại nhà máy Foxconn, nhà xưởng làm việc còn không có cửa sổ và nồng nặc mùi clo. Mọi công nhân phải mặc áo choàng chống tĩnh điện, đeo khẩu trang và làm việc dưới sự quản lý của các giám sát viên. Những người này theo dõi liên tục tiến độ và thường xuyên nhắc nhở những người đang làm việc tụt lại phía sau.
Mệt nhọc là vậy song nhiều người vẫn cố trụ lại nhà máy. Họ đa số là dân di cư từ nông thôn và sinh viên đại học, chấp nhận nghỉ các ngày lễ và tuân theo một lịch trình làm việc chặt chẽ để đủ điều kiện nhận tiền thưởng vào cuối tháng.
“Thật khó để kiếm sống ở nơi khác, vì vậy chúng tôi đã đến nhà máy”, một công nhân khác của Foxconn, người chịu trách nhiệm lắp ráp vỏ sau iPhone nói. “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài làm việc với mức lương cao ở Foxconn”.
Theo Jenny Chan, một nhà xã hội học của Đại học Bách khoa Hong Kong (Trung Quốc), điều kiện làm việc tại nhà máy này chưa phải tệ nhất, song vẫn cho thấy cuộc sống bấp bênh của các công nhân.
“Foxconn không bao giờ đặt mục tiêu có một lực lượng lao động ổn định. Họ luôn thay đổi, thay đổi và thay đổi,” Chan nói. “Những công nhân này sẽ không thể thăng tiến hoặc hưởng lợi từ sự tăng trưởng của công ty”.
Khác với Chan, một số công nhân Foxconn có quan điểm tích cực hơn về công việc họ đang làm. Họ cho rằng nó không khó, thậm chí dễ hơn làm nhân viên bán mì ăn liền hay lễ tân khách sạn. “Nếu nó tệ như họ nói, tại sao họ vẫn tiếp tục đến đây? Không có cách nào dễ dàng để kiếm tiền cả. Nếu bạn có ý định kiếm tiền, bạn phải làm việc theo yêu cầu”, một công nhân nói.
Theo: IT Times, Rest of World
Lấy link