Tôi không phải là lập trình viên chuyên nghiệp. Kiến thức lập trình của tôi dừng lại ở mức đủ để hiểu code, sửa vài dòng JavaScript và biết cách vận hành một project cơ bản. Nhưng chính vì thế, khi Cursor AI, một trình soạn thảo mã nguồn tích hợp AI, bắt đầu được cộng đồng developer quốc tế nhắc đến nhiều, tôi quyết định thử cài đặt và sử dụng để kiểm chứng xem: công cụ này có thực sự giúp việc lập trình dễ hơn như lời đồn?

Cursor AITrải nghiệm ban đầu: Vừa lạ vừa quen
Trải nghiệmCursor AI được phát triển dựa trên mã nguồn mở của Visual Studio Code, vì vậy ngay sau khi cài đặt, tôi gần như không mất thời gian làm quen. Giao diện, tổ hợp phím, khả năng cài đặt plugin… tất cả đều giống hệt VS Code. Cursor cũng cho phép import toàn bộ thiết lập cũ từ VS Code, biến quá trình chuyển đổi gần như liền mạch.

Giao diện Cursor AI không khác gì VSC
Trước đây, nếu cần code một chương trình hay một công cụ, hay đơn giản là fix một đoạn code nào đó, tôi cần phải copy đoạn code này, hoặc là upload tệp mã nguồn lên ChatGPT hay bất cứ công cụ AI nào đó để hỏi và nhờ AI giải quyết vấn đề, sau đó lại paste lại vào IDE rồi kiểm tra lại cấu trúc của file mã nguồn, nếu có sai sót gì thì lại nhờ AI làm lại, điều này mất khá nhiều thời gian và đôi khi file mã nguồn quá dài, hoặc project có quá nhiều file nhỏ lẻ, khiến tôi không có cách nào cho AI đọc hiểu được context của project để tìm ra phương án giải quyết vấn đề. Với Cursor AI, tôi đang mong chờ một công cụ có thể giúp tôi điều này.
Cursor AI cung cấp gói Pro dùng thử miễn phí trong 14 ngày. Tôi nhanh chóng chạm đến giới hạn request chỉ sau 2 ngày mày mò và quyết định đăng ký gói Pro với giá 20 USD/tháng (khoảng 500.000 đồng). Nếu chọn gói năm, giá chỉ còn 16 USD/tháng (khoảng 400.000 đồng). Gói này cho phép 500 request AI dạng "fast" mỗi tháng (không tính theo lịch tháng mà theo chu kỳ 30 ngày từ thời điểm đăng ký), hỗ trợ các model cao cấp như claude-3.5-sonnet, claude-3.7-sonnet, 3.7-sonnet MAX… và không giới hạn với các model "slow" như GPT-4o-mini hay cursor-small.

Các model mà Cursor AI hỗ trợ, trong đó claude-3.7-sonnet MAX sẽ "ngốn" của bạn 0,05 USD mỗi request
Cursor AITừ ý tưởng tới thực tế: Không một dòng code
Trải nghiệmTôi chọn một bài toán tương đối cụ thể: xây dựng một website giúp người dùng chỉnh sửa metadata của file EPUB và có thể preview nội dung sách. Đây là một nhu cầu thật, tôi từng nhiều lần muốn chỉnh sửa thông tin sách điện tử trước khi đưa vào máy đọc nhằm chuẩn hóa thông tin sách một cách đồng nhất.
Tôi khởi đầu bằng câu lệnh tiếng Việt khá chi tiết bằng Cmd + K để yêu cầu Cursor AI tạo giao diện. Thông thường tôi sẽ sử dụng model claude-3.7-sonnet MAX để khởi tạo giao diện ban đầu vì đây sẽ là giao diện nền tảng để sau đó chúng ta có thể sửa và thêm các tính năng dựa trên giao diện nền tảng này, dù cho model này có tiêu tốn nhiều request hoặc chi phí hơn (0,05 USD cho mỗi request) nhưng tôi thấy nó xứng đáng.

Cmd + K để mở hộp thoại prompt, nhớ chọn claude-3.7-sonnet MAX để khởi tạo giao diện nền tảng
Chi tiết prompt mà tôi sử dụng để xây dựng giao diện nền tảng:
"Tôi cần bạn xây dựng cho tôi một website bằng HTML, CSS và JS cho phép người dùng upload hoặc kéo thả file EPUB vào. Sau khi nhận file EPUB, trang web sẽ hiển thị toàn bộ các thông tin metadata của file ebook này, bao gồm ảnh bìa của file và các thông tin về ebook khác. thông tin hiển thị ra bao gồm thông tin metadata cơ bản (tên sách, tác giả, ngôn ngữ, nhà xuất bản, mô tả sách, và metadata nâng cao gồm các identifiers, ngày xuất bản, thể loại sách, creator, dịch giả, nguồn, định dạng (format), raw metadata và raw OPF dựa vào thông tin file OPF có trong tệp EPUB.
Sau đó tôi bạn giúp tôi triển khai tính năng chỉnh sửa các thông tin metadata này theo ý của người dùng, bao gồm cả tính năng chỉnh sửa và resize ảnh bìa của sách, cho phép người dùng upload ảnh bìa mới lên và tự động resize lại về độ phân giải 1600 x 2560 theo khuyến nghị của amazon. sau khi chỉnh sửa xong hết, cập nhật lại thông tin metadata và tạo ra một file EPUB mới với các thông tin đã chỉnh sửa, tên file đặt theo định dạng [EPUB] - [tên sách] - [tên tác giả].EPUB
Phía dưới phần preview và chỉnh sửa metadata, tôi cần một phần preview file EPUB dựa trên thông tin mục lục của tệp này. Phần preview cần thiết kế sao cho trực quan, chiều cao và độ rộng sao cho hợp lý, phù hợp với trải nghiệm đọc sách thông thường.
Giao diện trang web cần thiết kế sao cho tối giản nhưng vẫn đẹp mắt và hiện đại, sử dụng màu hồng pastel làm màu chủ đạo cho các phần tử. Có thể sử dụng thêm các thư viện hỗ trợ thiết kế giao diện và hiệu ứng sao cho đẹp mắt. Trang web sử dụng font Roboto nhưng dùng Times New Roman cho phần preview sách nhé".
Cursor AI nhanh chóng hiểu được toàn bộ yêu cầu. Trong vòng vài phút, tôi có ngay giao diện khung cơ bản, màu pastel hồng nhẹ nhàng, font Roboto cho giao diện chung và Times New Roman cho phần preview sách, đúng như yêu cầu. Tôi chụp lại một vài ảnh để kiểm tra, tinh chỉnh thêm màu sắc, bố cục, kích thước vùng đọc…

Từ dòng prompt chi tiết ban đầu, Cursor AI nhanh chóng tạo ra được một giao diện và các tính năng nền tảng
Sau vài giờ chỉnh sửa từng phần với các câu lệnh đơn giản như "resize lại ảnh bìa về 1600 x 2560", "thêm tính năng thay đổi ảnh bìa", "hiển thị metadata dạng bảng dễ đọc hơn", tổng cộng tôi sử dụng khoảng 273 fast request từ gói Pro. Điều đáng nói là: tôi không viết bất kỳ dòng code nào. Cursor AI xử lý tất cả, từ việc đọc cấu trúc EPUB, trích xuất thông tin từ file OPF, cho đến xử lý ảnh và xuất file EPUB mới.

Giao diện nền tảng tôi có được ngay từ dòng prompt đầu tiên



Các tính năng khác cũng chạy khá ổn luôn mà chưa cần phải sửa gì nhiều
Từ bước khởi tạo prompt ban đầu tới giao diện nền tảng, tôi chỉ mất chưa tới 10 phút để suy nghĩ và viết lệnh. Nhưng để trang web tối ưu nhất có thể, tôi đi vào chỉnh sửa và fix các lỗi nhỏ, bổ sung thêm một vài tính năng nhỏ. Tổng thời gian tôi dành cho project này là khoảng 4 giờ. Nếu tôi sử dụng các công cụ AI độc lập mà không tích hợp vào Cursor, có lẽ tôi sẽ mất khoảng 1 tới 2 ngày, còn nếu tôi phải tự code từng dòng một, có lẽ phải mất một tháng trời.

Bản gần như hoàn thiện cuối cùng của trang web chỉnh sửa metadata file EPUB của tôi. Có thể tôi sẽ tối ưu hoặc bổ sung thêm tính năng nào đó, chẳng hạn như tự tìm kiếm thông tin metadata trên Goodreads, hoặc là thêm tính năng sách nói bằng công cụ Text-to-Speech của OpenAI, cũng khá thú vị đấy chứ!
Bạn có thể trải nghiệm thử trang web mà tôi cùng với Cursor AI làm ra chỉ trong vòng 4 giờ tại đường link này:
-

Gói Pro cho phép người dùng sử dụng 500 fast request cho mỗi 30 ngày. Người dùng khi hết fast request sẽ chuyển sang "slow request" với phản hồi chậm hơn, hoặc có thể kích hoạt tính năng trả phí dựa trên từng request sử dụng sau khi hết 500 request này
Cursor AINhững điều khiến tôi ấn tượng
Trải nghiệmCursor AI không chỉ là một trợ lý code, nó gần như là một cộng sự lập trình thực thụ nếu bạn biết cách đặt câu hỏi. Một số lý do khiến tôi nghĩ công cụ này sẽ còn phát triển mạnh:
- Rào cản học lập trình giảm đáng kể: Nếu bạn biết logic cơ bản và có thể mô tả yêu cầu bằng ngôn ngữ tự nhiên, bạn đã có thể tạo ra ứng dụng thực tế.
- Tiết kiệm thời gian cho lập trình viên chuyên nghiệp: Với các project có cấu trúc rõ ràng hoặc phần việc lặp lại, bạn hoàn toàn có thể giao cho Cursor xử lý phần "nặng đầu".
- Tối ưu hóa việc đọc code thay vì viết code: Xu hướng mới là "Natural Language Programming" (mô tả bằng lời) để AI code. Vai trò của con người dịch chuyển từ "người viết code" sang "người review code".

Cursor AI tự tạo ra code mới, tự review code và tự chèn code vào vị trí hợp lý nhờ công cụ mà Cursor gọi là "Agent". Công cụ này tương thích nhất khi sử dụng các model Premium như claude-3.5/3.7-sonnet hay gpt-4o/o1
Tất nhiên, cũng có vài hạn chế. Với project lớn hoặc yêu cầu phức tạp, AI đôi khi không hiểu hết ngữ cảnh hoặc tạo ra code chưa hoàn chỉnh. Nhưng nếu bạn có kiến thức nền tảng, việc chỉnh sửa lại hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Cursor AICursor AI dành cho ai?
Trải nghiệmCursor AI rõ ràng không phải là công cụ dành cho mọi đối tượng. Qua quá trình sử dụng, tôi nhận thấy công cụ này có những ưu nhược điểm riêng, và chúng ta cần phải biết cách phối hợp với AI để tối ưu hóa cũng như khai thác tối đa tiềm năng công cụ này.
Cursor AI phù hợp với:
- Người dùng có kiến thức cơ bản về lập trình, biết cách đọc hiểu code và mô tả yêu cầu rõ ràng bằng ngôn ngữ tự nhiên.
- Lập trình viên chuyên nghiệp, đặc biệt là những người đang phát triển MVP, dự án nội bộ hoặc muốn tăng tốc thử nghiệm tính năng.
- Những ai làm việc độc lập hoặc team nhỏ, không có điều kiện thuê full đội ngũ dev nhưng vẫn cần sản phẩm nhanh và có chất lượng ổn.
- Người học lập trình muốn thực hành ngay bằng các project thực tế thay vì chỉ học lý thuyết.
Không phù hợp với:
- Người hoàn toàn chưa có nền tảng lập trình. Không hiểu cấu trúc file, quy trình build ứng dụng sẽ khiến bạn khó kiểm soát output từ AI.
- Những dự án đòi hỏi yêu cầu cao về bảo mật, tối ưu hiệu năng hoặc coding style nhất quán.
- Team dev lớn yêu cầu codebase đồng bộ, kiểm soát CI/CD nghiêm ngặt, vì AI vẫn có thể tạo ra những đoạn mã không tối ưu hoặc không theo chuẩn team.
Ưu điểm
- Giao diện thân thiện: Gần như giống hệt VS Code, người dùng cũ không mất thời gian làm quen.
- Tích hợp AI sâu, đa dạng model (GPT-4o, Claude 3.5 Sonnet, Claude 3.7…).
- Tốc độ sinh code nhanh, hỗ trợ nhiều phương thức như composer (đa file), chat (trao đổi), inline edit (khi hết fast premium request vẫn có thể sử dụng slow request).
- Hỗ trợ prompt tiếng Việt rất tốt, có thể hiểu yêu cầu dài và phức tạp.
- Có thể xử lý cả hình ảnh (image-to-code), đọc được EPUB, PDF, docs, link web…
Nhược điểm
- Giới hạn request: Gói Pro có 500 request "fast", nếu không quản lý sẽ nhanh chóng hết, nhất là khi thao tác nhiều file.
- Hiệu năng chưa ổn định khi làm việc với codebase lớn, có thể bị lag nhẹ.
- AI đôi khi hiểu sai yêu cầu, áp dụng sai file, xóa mất dòng code đang dùng để debug, lỗi tự dừng đột ngột hoặc nếu tạo ra code quá dài (khoảng 1.000 dòng sẽ bị ngắt do giới hạn API).
- Cần kiến thức nền để review lại kết quả AI sinh ra, tránh bị phụ thuộc hoàn toàn.

Cursor AI có 3 gói đăng ký: Miễn phí, Pro và Business
Một số mẹo sử dụng hiệu quả Cursor AI
1. Luôn viết prompt rõ ràng, cụ thể, có ngữ cảnh. Chia task lớn thành các yêu cầu nhỏ, từng bước một.
2. Tận dụng các phím tắt:
- Ctrl + I: Mở Composer – dùng khi tạo project mới, nhiều file.
- Ctrl + L: Mở chat – hỏi, giải thích, hỗ trợ nhanh.
- Ctrl + K: Sửa inline đoạn code được bôi đen.
3. Gắn file/folder vào context trong khung chat để AI hiểu rõ bạn đang làm việc với phần nào.
4. Thiết lập project rules để định hướng hành vi AI (ví dụ: không tự sửa định dạng code, không xóa console.log…).
5. Kết hợp các model thông minh: Dùng claude-3.5/3.7-sonnet khi cần suy luận, gpt-4o-mini khi cần gợi ý đơn giản để tiết kiệm request.
6. Không quên kiểm tra lại toàn bộ mã sau khi áp dụng, đừng nhấn "Apply All" mà không review.
7. Sử dụng MCP để tăng cường khả năng hiểu ngữ cảnh của AI. MCP (Model Context Protocol) là một tính năng nâng cao của Cursor, cho phép bạn thiết lập bộ ngữ cảnh phức tạp, được lưu lại và áp dụng xuyên suốt quá trình làm việc với AI. Hiểu đơn giản, MCP là cách bạn "dạy" AI hiểu về project của bạn sâu hơn. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết trải nghiệm này tôi sẽ không đề cập sâu.
Nhìn chung, Cursor AI không khiến tôi trở thành lập trình viên giỏi hơn, nhưng chắc chắn đã giúp tôi làm được nhiều hơn với kiến thức hiện có. Đối với người dùng phổ thông biết code cơ bản, đây là một công cụ cực kỳ mạnh mẽ. Còn với lập trình viên chuyên nghiệp, Cursor là công cụ tối ưu hóa năng suất đáng để thử, nếu biết cách sử dụng hợp lý và không quá phụ thuộc.
Lấy link