Từ trước tới nay, AMD vẫn được đánh giá cao bởi tính hiệu năng/giá thành của các sản phẩm do mình sản xuất, bao gồm cả GPU và CPU. Trong đợt ra mắt Radeon RX 7000 series, AMD lại một lần nữa làm giới công nghệ trầm trồ với kiến trúc RDNA 3. Kết hợp với thiết kế chiplet, tương tự các CPU Ryzen, lần đầu tiên xuất hiện trên các GPU, thế hệ card đồ họa mới của AMD chắc chắn sẽ mang lại mức hiệu năng/ giá thành vượt trội so với đối thủ. Không những thế, theo công bố của AMD, thế hệ GPU mới còn có mức hiệu năng/ watt điện tăng tới 54%.
Về quy cách đóng gói, phiên bản tiêu chuẩn – reference của AMD Radeon RX 7900 XTX có phong cách thiết kế tương tự như thế hệ trước với màu đen, bạc và đỏ làm chủ đạo cùng hình ảnh góc chéo của sản phẩm. Phía sau là các thông tin đơn giản về các tính năng nổi bật của chiếc card đồ họa này như Ổn định, Hiệu năng và Trải nghiệm.
Mở hộp, người dùng được chào đón bởi dòng chữ Welcome to the RED Team. Đồng thời, là phiên bản đầu bảng, hộp của RX 7900 XTX còn có cơ chế đẩy card đồ họa lên tạo hiệu ứng chào đón người dùng.
Tương tự như thế hệ trước, RX 7900 XT cũng sử dụng công nghệ quạt Axial để tăng luồng khí được hút vào làm mát cho linh kiện.
Một trong những đặc điểm nổi bật của RX 7000 series so với đối thủ chính là việc chỉ sử dụng từ 2 đến 3 chân nguồn PCIe 8-pin và không cần các cổng chuyển hay thiết kế chân nguồn mới. Nhờ vậy, người dùng hoàn toàn có thể yên tâm về khả năng tương thích với các cấu hình có nguồn PSU công suất lớn nhưng không phải đời mới nhất bởi đây vốn là linh kiện ít thay thế nhất khi nâng cấp cấu hình.
Mặt sau back plate của RX 7900 XTX cũng có thiết kế khá tương đồng với người đàn em RX 7900 XT.
Cổng kết nối của RX 7900 XTX tương đối phong phú với 2 cổng DisplayPort 2.1 mới nhất, 1 cổng HDMI 2.1 và 1 USB Type-C.
Một điểm vượt trội của AMD Radeon RX 7900 XTX so với đối thủ còn là kích thước. Trong khi các dòng card đồ họa cao cấp phía bên kia chiến tuyến có kích thước khủng, thường từ 3 slot cùng chiều dài rộng ngoại cỡ thì RX 7900 XTX chỉ dày 2.5 slot cùng chiều dài 287 mm. Nhờ vậy, chiếc card đồ họa này thậm chí còn có thể lắp vừa các dòng case kích thước nhỏ SFF.
Cấu hình thử nghiệm
Bởi là dòng card đồ họa cao cấp hướng tới đối tượng game thủ chơi game 4K, có thể thấy sức mạnh của RX 7900 XTX ngang ngửa với đối thủ có mức giá cao hơn 20%. Tuy nhiên, khi bị thử thách với những tựa game sử dụng công nghệ Ray Tracing, RX 7900 XTX vẫn tỏ ra tương đối lép vế bởi không có nhân xử lý chuyên dụng.
Trong quá trình chơi game hay thử nghiệm đo nhiệt bằng ứng dụng FurMark, Radeon RX 7900 XTX thậm chí còn gây bất ngờ bởi nhiệt độ hoạt động cực kỳ tối ưu, tối đa cũng chỉ 69 độ C dù được lắp trong chiếc vỏ case Lian Li Q58 có kích thước khá chật hẹp. Tốc độ quạt chỉ dừng ở mức tối đa 1700 vòng/phút cũng giúp chiếc card đồ họa này hoạt động êm ái hơn. Nhờ mức tiêu thụ điện ở mức 350W, người dùng chỉ cần trang bị cho cấu hình máy của mình một chiếc nguồn 750W trở xuống là đủ.
Để tổng kết, có thể thấy AMD Radeon RX 7900 XTX là một chiếc card đồ họa đầu bảng đi kèm với chi phí đầu tư cực kỳ hợp lý, cả về chi phí đầu tư card lẫn các linh kiện phụ trợ. Với sức mạnh hàng đầu, RX 7900 XTX có thể sẵn sàng chơi game ở mức FPS cao tại độ phân giải 4K với các thiết lập ở mức cao nhất, tất nhiên là trừ thiết lập Ray Tracing. Dẫu vậy, Radeon RX 7900 XTX vẫn sẽ là lựa chọn kinh tế hàng đầu cho các game thủ có nhu cầu chơi game 4K mà không muốn bỏ ra quá nhiều tiền để có được mức hiệu năng mà mình không cần dùng tới trong vài năm nữa.
Lấy link