Theo nghiên cứu được công bố hôm 11/5, phôi hóa thạch được đặt tên là Ying Baby nằm trong một quả trứng hình elip với đường kính khoảng 9 cm và có niên đại từ 66 - 72 triệu năm trước. Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên loại phôi như vậy được tìm thấy, nhưng cho đến nay Ying Baby là mẫu vật hoàn chỉnh nhất.
Khám phá được thực hiện bởi Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đá Yingliang, Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc, cùng các học giả đến từ Đài Loan và Canada, đã trả lời một số câu hỏi về cách thức tiến hóa và sinh sản của khủng long.
Đánh giá về hình dạng độc đáo của hộp sọ, đốt sống và xương chi của phôi thai, các nhà khoa học suy luận rằng nó thuộc về một loài khủng long mỏ vịt, hay còn gọi là Hadrosauridae, một lớp khủng long ăn cỏ lớn sống vào cuối kỷ nguyên khủng long, đặc trưng bởi chiếc mỏ phẳng giống như mỏ vịt.
Một trong những kiến thức mới quan trọng nhất mà mẫu vật Ying Baby cung cấp là kích thước khiêm tốn của phôi, cho thấy rằng trứng nhỏ và cơ thể phát triển muộn là đặc điểm ban đầu của khủng long mỏ vịt.
Kể từ năm 1859, một số lượng lớn hóa thạch trứng khủng long đã được tìm thấy trong nhiều địa tầng Mesozoi trên thế giới và ở Trung Quốc, đặc biệt là các hóa thạch có niên đại vào cuối kỷ Phấn trắng, nhưng rất ít trong số đó vẫn còn lưu trữ phôi, khiến Ying Baby trở thành một trong những hóa thạch hiếm nhất. Những hóa thạch này có thể cung cấp thông tin giá trị cho việc nghiên cứu sự phát triển, sinh sản, hành vi và tiến hóa của khủng long.
Đoàn Dương (Theo CNS)
- Hóa thạch 139 triệu năm của thằn lằn cá mang thai
- Phát hiện chiếc răng lớn nhất của thằn lằn cá