Khi các vụ cháy Palisades, Eaton và Hurst tiếp tục càn quét Los Angeles, hàng triệu người có thể chịu ảnh hưởng từ khói của những đám cháy rừng đô thị này. Sự nguy hiểm từ khói cháy rừng hoang dã đã được ghi nhận rõ ràng, nhưng giới khoa học mới chỉ hiểu sơ bộ về thành phần của khói cháy rừng đô thị.
Khác với cháy rừng hoang dã có nhiên liệu là thực vật, cháy đô thị thiêu rụi các công trình, xe cộ, nhà máy, hàng loạt sản phẩm tiêu dùng và công nghiệp làm từ nhiều hóa chất và vật liệu khác nhau. Thêm vào đó, thảm họa này xảy ra ở khu vực đông dân cư nên khói sẽ lập tức trở thành mối đe dọa lớn với cộng đồng địa phương.
Năm 2023, nhóm nghiên cứu từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) tổng hợp dữ liệu từ 28 phân tích riêng biệt về khói phát ra trong các vụ cháy đô thị, so sánh với thành phần hóa học của khói cháy rừng hoang dã. Kết quả, cả hai loại cháy đều tỏa ra lượng CO2, CO và bụi mịn tương tự nhau. Đây đều là những mối nguy hiểm lớn cho sức khỏe.
Tuy nhiên, khói từ cháy đô thị còn chứa nhiều chất nguy hiểm khác với nồng độ cao. Ví dụ, hydrocarbon thơm đa vòng (PAH) là nhóm hóa chất có thể gây ung thư với hệ số phát thải cao hơn ba bậc so với khói cháy rừng hoang dã. Hình thành tự nhiên trong than đá, dầu thô, xăng, PAH cũng được tìm thấy trong khói thuốc lá và liên quan đến một số rối loạn về máu và gan.
Một số hóa chất nguy hiểm khác như dioxin và furan trong khói cháy đô thị thậm chí cao hơn 5 - 6 bậc so với trong các vụ cháy thảm thực vật. Những chất này đã được chứng minh là làm gián đoạn điều hòa hormone, ức chế khả năng sinh sản, góp phần gây ung thư.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, khói cháy rừng đô thị chứa nồng độ cao các hợp chất hữu cơ độc hại benzene, toluene, ethylbenzene, xylenes - gọi chung là BTEX. Nhóm hợp chất này cũng hiện diện trong khí thải xe và khói thuốc lá, liên quan đến ung thư và các chứng rối loạn tự miễn dịch.
Với vật liệu đa dạng trong đô thị, không ngạc nhiên khi các vụ cháy như ở Los Angeles sẽ giải phóng một tổ hợp phức tạp những hóa chất độc hại, và danh sách trên chắc chắn vẫn chưa kết thúc. Ví dụ, chất phosgene sinh ra khi nhựa cháy có thể gây tổn thương phổi, suy hô hấp. Kim loại nặng như chì, crom, cadmium, arsenic cũng phát tán vào không khí khi xảy ra cháy đô thị.
Hiện tại, khó có thể khẳng định chính xác mức độ ô nhiễm không khí hay nguy cơ với sức khỏe con người từ các vụ cháy Los Angeles. Tuy nhiên, khói cháy rừng có thể di chuyển rất xa và ảnh hưởng đến dân cư cách nguồn cháy hàng nghìn km. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm tăng cả tần suất lẫn cường độ cháy rừng, mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng có thể sẽ tăng lên trong những năm tới.
Thu Thảo (Theo IFL Science)