Quyết định ban hành Chiến lược được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 11/5. Mục tiêu Chiến lược xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, đưa Việt Nam trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030. Đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%.
Theo Chiến lược này, doanh nghiệp được xác định là trung tâm, viện trường là chủ thể nghiên cứu mạnh; Nhà nước thực hiện vai trò điều phối, kiến tạo môi trường thể chế.
Để vận hành, một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia được phát triển và liên kết khu vực và thế giới. Theo đó, các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành được kết nối.
Chiến lược đặt mục tiêu khoa học công nghệ đóng góp vào tăng tưởng kinh tế thông qua chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) trên 50%. Trong báo cáo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2021 dẫn số liệu giai đoạn 2016-2020 năng suất lao động được cải thiện, bình quân giai đoạn là 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%/năm), và vượt mục tiêu đề ra (5%/năm). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%).
Về công bố quốc tế, Chiến lược đặt mục tiêu tăng trung bình 10%, đơn đăng ký sáng chế tăng trung bình 16-18%, đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng 12-14% mỗi năm. Tỷ lệ đơn đăng ký bảo hộ ở nước ngoài tăng 10-12% mỗi năm, 8-10% sáng chế được thương mại hóa sau khi cấp bằng....
Để thực hiện mục tiêu, một trong các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược là phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao.
Theo đó nhân lực toàn thời gian cho khoa học công nghệ đạt 10 người trên một vạn dân năm 2025 và 12 người trên một vạn dân 5 năm tiếp theo, chú trọng phát triển nhân lực trong doanh nghiệp.
Chiến lược do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo.
Hà An