Công ty Gateway Foundation ở giới thiệu ý tưởng xây khách sạn vũ trụ vào năm 2019. Mục tiêu của họ là tạo ra một nơi ở cách xa Trái Đất với phòng làm việc và phòng cho du khách. Trạm Pioneer có thể chứa 28 người khi mở cửa đón khách vào năm 2025. Trạm còn lại là Voyager, dự kiến mở cửa năm 2027, có thể đón 400 người. "Mục tiêu của chúng tôi là đưa nhiều người tới sống, làm việc và phát triển trong không gian", Tim Alatorre, giám đốc điều hành của Orbital Assembly, công ty phụ trách xây dựng 2 trạm vũ trụ, cho biết.
Trạm nhỏ hơn là Pioneer cho phép mọi người bắt đầu trải nghiệm không gian ở quy mô lớn và nhanh hơn. Pioneer cũng có cơ sở nghiên cứu cho thuê. Cả hai trạm đều có hình dáng giống bánh xe với trọng lực nhân tạo, giúp du khách di chuyển thoải mái ở mỗi trạm. Trạm Pioneer sẽ bao gồm 5 module xây quanh cấu trúc "vòng trọng lực" xoay tròn.
Ở cả trạm Pioneer và Voyager, du khách có thể cảm nhận trạng thái không trọng lực nhưng vẫn có thể dùng cốc uống nước và không cần dùng đai buộc vào giường để ngủ. Gần chính giữa trạm sẽ không có trọng lực nhân tạo. Tuy nhiên, trọng lực sẽ tăng dần khi tiến ra ngày càng xa khỏi trung tâm. Dù trạm Pioneer nhỏ hơn Voyager, du khách có thể tắm rửa và ngồi ăn uống tại các khu vực có trọng lực. Mỗi trạm được trang bị nội thất giống khách sạn hạng sang trên Trái Đất.
Một rào cản lớn đối với du hành không gian là chi phí. Tuy nhiên, Orbital hy vọng chi phí du lịch không gian sẽ trở nên ngày càng rẻ hơn. "Khi bay vào vũ trụ, mọi người sẽ thay đổi cách nhìn nhận Trái Đất. Du lịch không gian vẫn đang ở giai đoạn non trẻ. Chúng tôi rất hào hứng khi có thể góp sức biến điều này thành hiện thực và cải thiện cuộc sống trên Trái Đất", Alatorre nói.
An Khang (Theo Smithsonian)
- Nga sẽ phóng trạm vũ trụ riêng năm 2025