Cuối tháng 5, bão sao băng đầu tiên trong hai thập kỷ có thể diễn ra với mưa sao băng Tau Herculids. Tuy nhiên, bão sao băng là sự kiện không thể đoán trước nên các nhà khoa học chưa thể chắc chắn điều này.
Mưa sao băng được đo bằng Tốc độ cực đại theo giờ (ZHR) - số lượng sao băng tối đa mà một người có thể thấy trong một giờ với điều kiện không có mây và ô nhiễm ánh sáng, nguồn sao băng ở ngay phía trên. Các trận mưa sao băng tốt nhất có ZNR là 100 nhưng thường ít hơn nhiều. Rất hiếm khi ZNR lên tới hàng nghìn và sự kiện như vậy gọi là bão sao băng. Chưa có cơn bão nào xảy ra kể từ bão sao băng Leonid năm 2001/2002.
Sao băng xuất hiện khi các hạt bụi hoặc đá lao vào khí quyển Trái Đất và bốc cháy. Tùy thuộc vào kích thước và tốc độ của chúng, quá trình này có thể tạo ra tia sáng mờ hoặc một quả cầu lửa rực sáng.
Khi sao chổi hoặc tiểu hành tinh vỡ ra, các mảnh đá còn lại sẽ nằm rải rác trong một vùng không gian. Khi Trái Đất đi qua đó, mưa hoặc bão sao băng sẽ xảy ra, tùy thuộc vào mật độ mảnh vỡ.
Sau khi sao chổi tan rã, những vùng đá như vậy ban đầu khá nhỏ và tập trung. Vì thế, Trái Đất có thể đi qua một vùng mật độ cao và nhận được lượng sao băng cực lớn, nhưng lần tới lại bỏ lỡ hầu hết mọi thứ.
Qua thời gian, các vùng đá trải rộng ra do lực hấp dẫn của các hành tinh, gió Mặt Trời và tốc độ phân tán khác nhau. Điều này tạo ra những trận mưa sao băng diễn ra trong nhiều ngày mỗi năm, nhưng không còn đạt được mức đỉnh điểm như giai đoạn sao chổi mới tan rã.
Tau Herculids là một trong những trận mưa sao băng trẻ nhất bắt nguồn từ sao chổi 73P/Schwassmann - Wachmann 3 tan rã vào năm 1995. Hầu hết các năm, Tau Herculids rất thưa thớt nên không được chú ý. Tuy nhiên, một số nhà thiên văn tin rằng Trái Đất đang đi đúng hướng tới một vùng đá dày đặc.
Tính toán vị trí chính xác của các vùng đá như vậy rất khó dù công nghệ đã tiến bộ trong những năm gần đây. Công việc này phụ thuộc vào sự ước tính ảnh hưởng của các yếu tố phức tạp và không ổn định.
Mưa sao băng Tau Herculid dự kiến có thể quan sát ở phần lớn Bắc Mỹ vào khoảng 1h ngày 31/5 theo múi giờ EDT (chạng vạng ngày 30/5 ở vùng bờ biển phía tây). Người Nam Mỹ sẽ nhìn thấy ít sao băng hơn vì điểm phát sao băng sẽ thấp ở phía bắc, nhưng khá chắc chắn là Mặt Trời đã lặn khi bão sao băng diễn ra. Nếu các tính toán bị lệch vài tiếng, người quan sát ở châu Âu, châu Phi, hoặc châu Á và Australia có thể gặp may.
"Đây sẽ là sự kiện 'được ăn cả, ngã về không'. Nếu các mảnh vỡ từ Schwassmann - Wachmann 3 di chuyển với vận tốc khoảng 350 km/h khi tách khỏi sao chổi, chúng ta có thể thấy một trận mưa sao băng tuyệt đẹp. Nếu các mảnh vỡ có tốc độ bay chậm hơn thì sẽ không có gì tới được Trái Đất và không có sao băng nào từ sao chổi này", chuyên gia Bill Cooke tại NASA cho biết.
Mưa hoặc bão sao băng có thể mất đi phần lớn vẻ rực rỡ dưới ánh trăng, nhưng sự kiện sắp tới diễn ra ngay sau trăng non nên đây không phải vấn đề. Điều cần quan tâm hơn là quỹ đạo của Tau Herculids so với Trái Đất khiến nó trở thành một trong những mưa sao băng chậm nhất. Điều này giúp các vật thể lớn trở nên dễ quan sát hơn, nhưng vật thể nhỏ sẽ không đủ sáng để được phát hiện. Các chuyên gia cũng không rõ tỷ lệ kích thước của các mảnh đá vỡ ra vào năm 1995.
Bão sao băng Leonid năm 2001 kéo dài vài tiếng. Trong khi đó, bão sao băng Tau Herculids, nếu có, cũng sẽ ngắn hơn nhiều, chỉ khoảng 15 phút.
Thu Thảo (Theo IFL Science)
- Mưa sao băng sắp đạt cực đại 50 vệt sáng mỗi giờ
- Mưa sao băng Geminids vụt sáng trên bầu trời