Trong những năm qua, khẩu trang trở thành một loại rác phổ biến. Nhóm chuyên gia tại Đại học Bang Washington (WSU) tìm ra công dụng mới cho chúng, đó là tăng độ bền cho bê tông, New Atlas hôm 28/4 đưa tin. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Materials Letters.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng bê tông có xu hướng ít nứt vỡ hơn khi trộn cùng những sợi gia cố tí hon. Với thông tin này, nhóm chuyên gia WSU đặt câu hỏi, liệu sợi polypropylene hoặc polyester trong khẩu trang thải bỏ có thể dùng cho mục đích này hay không.
Để tìm ra đáp án, họ bắt đầu xử lý khẩu trang cũ bằng cách tháo gọng mũi kim loại và quai đeo tai bằng cotton, sau đó tách nhỏ phần còn lại thành những sợi dài từ 5 mm đến 30 mm. Tiếp theo, các sợi được xử lý bằng dung dịch graphene oxit. Chất này tạo thành một lớp phủ bên trên, tăng thêm diện tích bề mặt và giúp các sợi kết dính với hồ xi măng Portland thường dùng. Các sợi được thêm vào xi măng - thành phần kết dính trong bê tông - với thể tích 0,1%.
Thử nghiệm xi măng cốt sợi sau khi đóng rắn một tháng, nhóm nghiên cứu nhận thấy nó có độ bền kéo cao hơn 47% so với xi măng Portland chưa qua xử lý. Việc bổ sung các sợi cũng làm giảm độ bền nén một chút, khoảng 3%. "Nghiên cứu này giới thiệu một công nghệ giúp chuyển đổi khẩu trang đã qua sử dụng, từ rác thải sang thứ hữu dụng và có giá trị cao", giáo sư Xianming Shi, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Năm ngoái, một nghiên cứu do nhóm chuyên gia tại Đại học RMIT Australia thực hiện cũng cho thấy sợi khẩu trang giúp tăng độ bền chắc cho nhựa đường và một số vật liệu làm đường khác.
Thu Thảo (Theo New Atlas)
- Sinh viên tái chế khẩu trang thành tấm nhựa
- Biến khẩu trang cũ thành pin lithium-ion