Tính đến năm 1961, cuộc đua vào vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô đã kéo dài 6 năm. Liên bang Xô Viết chiếm thế thượng phong khi trở thành nước đầu tiên phóng vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo, Sputnik 1, vào ngày 4/10/1957. Họ cũng phóng sinh vật sống đầu tiên là chú chó Laika trên vệ tinh Sputnik 2 phóng lên quỹ đạo vào ngày 3/11 cùng năm. Tiếp đó, Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ trên tàu Vostok 1 ngày 12/4/1961.
Trước đó hai tháng, vào ngày 12/2 cùng năm, Liên Xô phóng tàu thăm dò đầu tiên tới hành tinh khác, Venera 1. Mục tiêu của con tàu là bay quay quỹ đạo sao Kim, nhưng trục trặc ở cảm biến khiến tàu mất liên lạc với Trái Đất trước khi bay tới cách hành tinh này 100.000 km. Đây là tàu thăm dò đầu tiên kết hợp tất cả thiết bị cần thiết trên tàu vũ trụ liên hành tinh: pin mặt trời, ăngten viễn trắc, bộ ổn định 3 trục và động cơ hiệu chỉnh hướng.
Mỹ tìm cách vượt qua Liên Xô trong cuộc đua tới sao Kim khi tàu Mariner 2 bay tới cách hành tinh 35.000 km và truyền dữ liệu về nhiệt độ bề mặt vào năm 1962. Liên Xô thử lại với tàu Venera 2 nhưng trục trặc do quá nhiệt khiến nhiệm vụ thất bại. Năm 1966, tàu Venera 3 đâm xuống bề mặt sao Kim vào ngày 1/3. Tuy nhiên, đây là tàu vũ trụ đầu tiên do con người chế tạo rơi xuống hành tinh khác.
Các tàu vũ trụ tiếp theo là Venera 4, 5 và 6 truyền dữ liệu quan trọng về khí quyển và áp suất của sao Kim song song với thông tin từ tàu Mariner 3, 4 and 5 nhưng vẫn không thể đến gần hơn 18 km tính từ bề mặt hành tinh. Áp suất khí quyển cao của sao Kim đã phá hủy những tàu này.
Ngày 15/12/1970, khoảng 1 năm 5 tháng sau khi Neil Armstrong và Buzz Aldrin đặt chân lên Mặt Trăng, đánh dấu một bước tiến khổng lồ trong cuộc đua vào vũ trụ khi Liên Xô trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu vũ trụ hạ cánh xuống bề mặt hành tinh khác với tàu Venera 7. Venera 7 là tàu vũ trụ đầu tiên tiếp đất nhẹ nhàng trên bề mặt sao Kim và truyền dữ liệu thành công từ hành tinh khác về Trái Đất. Con tàu phóng vào ngày 17/8/1970 và tiến vào khí quyển sao Kim 4 tháng sau đó. Tàu Venera 7 nặng 495 kg đáp xuống tọa độ 5 độ vĩ Nam và 351 độ kinh Đông dù gặp nhiều khó khăn.
Tuy được thiết kế để tồn tại trong điều kiện cực hạn của sao Kim (con tàu có thể chịu áp suất 178 atm và nhiệt độ 580 độ C), dù giảm tốc của tàu gặp sự cố ngay trước khi tiếp đất. Dù mở ra đúng như dự kiến ở độ cao 60 km nhưng bị hỏng vài phút sau, khiến tàu rơi nhanh hơn dự kiến. Cuối cùng, dù hỏng hoàn toàn và tàu thăm dò hạ cánh với vận tốc 16,5 m/s (59 km/h) và lật nhào, dẫn tới ăngten vô tuyến bị lệch.
Kết quả là tín hiệu truyền đi rất yếu nhưng vẫn có thể thu được bằng kỹ thuật viễn trắc trước khi chết pin. Dữ liệu thu thập được phân tích vài tuần sau đó ghi lại nhiệt độ và áp suất trên sao Kim. Trong 23 phút, tàu Venera 7 đã chịu nhiệt độ lên tới 475 độ C. Sau đó, 9 tàu thăm dò Venera khác và chương trình Vega cũng hạ cánh thành công trên sao Kim và truyền dữ liệu về địa chất hành tinh. Tàu cuối cùng hoạt động trong 2 giờ, cung cấp ảnh chụp và quan sát trực tiếp đầu tiên về bề mặt hành tinh. Vào ngày 2/12/1971, Liên Xô cũng hạ cánh thành công tàu đổ bộ đầu tiên trên bề mặt sao Hỏa, Mars 3.
An Khang (Theo Amusing Planet)
- Mô phỏng tàu vũ trụ rơi xuống 'địa ngục' của sao Kim