Báo cáo từ Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) lần đầu tiên đánh giá tất cả 6.016 loài chuồn chuồn và chuồn chuồn kim được mô tả hiện nay cho thấy ít nhất 16% trong số chúng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Số lượng chuồn chuồn suy giảm nguyên nhân chủ yếu là do con người mở rộng đất nông nghiệp không bền vững và quá trình đô thị hóa trên toàn cầu, IUCN cho biết trong bản cập nhật Sách Đỏ về các loài bị đe dọa.
"Bằng cách tiết lộ sự suy giảm của chuồn chuồn, bản cập nhật Sách Đỏ hôm nay nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết trong việc bảo vệ các vùng đất ngập nước trên thế giới, cũng như sự sống phong phú mà chúng đang nuôi dưỡng", Tổng giám đốc IUCN Bruno Oberle cho biết trong một tuyên bố. "Trên toàn cầu, hệ sinh thái này đang biến mất nhanh gấp ba lần so với rừng".
Một báo cáo do Công ước Ramsar về Đất ngập nước công bố ba năm trước cho thấy thế giới đã mất 35% diện tích đất ngập nước từ năm 1970 đến năm 2015. Hệ sinh thái này giúp lưu trữ carbon, chống lũ lụt và cung cấp môi trường sống cho 1/10 loài được biết đến trên thế giới.
"Chuồn chuồn đặc biệt nhạy cảm với những thay đổi của môi trường và đó là tín hiệu cảnh báo sớm về những gì đang xảy ra với các hệ thống đất ngập nước", chuyên gia Craig Hilton Taylor từ IUCN nói với AFP.
Taylor cho biết thêm rằng bản cập nhật Sách Đỏ vẫn thiếu dữ liệu và trên thực tế số loài chuồn chuồn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng có thể lên tới 40%. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực Nam và Đông Nam Á, nơi có hơn 1/4 số loài chuồn chuồn đang bị đe dọa. Điều này chủ yếu là do việc dọn sạch đất ngập nước và các khu vực rừng nhiệt đới để nhường chỗ cho đồn điền dầu cọ, IUCN giải thích. Thuốc trừ sâu, chất ô nhiễm và biến đổi khí hậu cũng là những mối đe dọa ngày càng tăng.
Với bản cập nhật mới, Sách Đỏ IUCN hiện bao gồm các đánh giá về 142.577 loài động vật và thực vật, trong đó có 40.084 loài được coi là có nguy cơ tuyệt chủng. Đây là lần đầu tiên con số các loài bị đe dọa vượt mốc 40.000.
Đoàn Dương (Theo AFP)
- Côn trùng trên Trái Đất giảm gần 2% mỗi năm
- Lửa tàn phá vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới