NASA phóng tên lửa nghiên cứu 4 tầng Oriole IV mang theo bộ thiết bị CREX-2 tại Trung tâm Vũ trụ Andoya, Na Uy, lúc 15h25 ngày 1/12 (giờ Hà Nội) để nghiên cứu chỏm cực ở Bắc Cực. Chỏm cực xuất hiện vào buổi trưa, khi Mặt Trời ở vị trí cao nhất, phía trên vòng Bắc Cực và vòng Nam Cực. Đây là vùng không gian bí ẩn cấu tạo từ một khoảng trống hình phễu trong từ trường Trái Đất, nơi gió Mặt Trời tiếp xúc với khí quyển.
Tín hiệu vô tuyến và GPS hoạt động kỳ lạ khi di chuyển qua khu vực này. Các nhà khoa học và nhà vận hành tàu vũ trụ cũng chú ý đến một điểm kỳ lạ khác trong 20 năm qua. Đó là khi tàu vũ trụ bay qua chỏm cực, chúng giảm tốc một cách khó hiểu.
"Ở độ cao khoảng 400 km phía trên Trái Đất, các tàu vũ trụ gặp nhiều lực cản hơn, giống như chúng đi qua một gờ giảm tốc. Nguyên nhân là không khí tại chỏm cực đặc hơn không khí ở bất cứ nơi nào khác trong quỹ đạo của tàu vũ trụ bay quanh Trái Đất", Conde nói.
Mật độ của khí quyển Trái Đất giảm nhanh theo độ cao nhưng vẫn nhất quán theo chiều ngang. Điều này nghĩa là ở bất kỳ độ cao nào, khí quyển cũng có mật độ gần như bằng nhau trên toàn cầu. Tuy nhiên, chỏm cực ở độ cao 400 km là ngoại lệ. Tại đó có vùng không khí đặc gấp 1,5 lần so với những nơi khác cùng độ cao.
"Bạn không thể cứ thế tăng khối lượng ở một khu vực lên gấp 1,5 lần mà không làm gì khác. Nếu vậy bầu trời sẽ sụp đổ", tiến sĩ Mark Conde, nhà vật lý tại Đại học Alaska Fairbanks, cho biết. Các chuyên gia cho rằng một yếu tố vô hình đã hỗ trợ cho khối lượng này và mục tiêu của nhiệm vụ CREX-2 chính là tìm ra nó.
CREX-2 sẽ nghiên cứu các hiệu ứng điện và từ của sự tương tác giữa các hạt mang điện từ Mặt Trời với tầng thượng quyển. Nó cũng sẽ đo lường hoạt động của gió, yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc khối lượng không khí ở chỏm cực tăng bất thường.
Trong nhiệm vụ, tên lửa sẽ phóng ra 20 hộp nhỏ bằng lon nước ngọt, mỗi hộp có động cơ riêng. Các hộp sẽ lao theo 4 hướng và giải phóng chất theo dõi hơi ở nhiều độ cao khác nhau. Chất theo dõi hơi là những hạt được sử dụng trong các màn bắn pháo hoa. Chúng sẽ phát sáng khi tiếp xúc với oxy và đón ánh sáng Mặt Trời. Khi phân tán theo gió, chúng sẽ tạo ra những đám mây phát sáng. Điều này sẽ giúp các nhà khoa học nắm được chuyện gì đang diễn ra bên trong chỏm cực.
Thu Thảo (Theo IFL Science)
- Vành đai rác vũ trụ có thể hình thành quanh Trái Đất
- NASA hủy đi bộ không gian vì mảnh rác vũ trụ