GJ 367 b là ngoại hành tinh đá thuộc nhóm hành tinh chu kỳ siêu ngắn (USP) do quay rất nhanh quanh sao chủ. Nó có kích thước tương đương sao Hỏa nhưng khối lượng chỉ bằng một nửa so với Trái Đất. Đây là ngoại hành tinh nhẹ nhất được phát hiện từ trước tới nay. Lõi sắt và nickel chiếm khoảng 86% cấu trúc bên trong của GJ 367 b nên nó rất giống sao Thủy. Trong hệ Mặt Trời, sao Thủy là hành tinh gần Mặt Trời nhất, một năm của nó chỉ dài 88 ngày.
Ngoại hành tinh GJ 367 b nằm cực gần ngôi sao lùn thuộc lớp M. Những ngôi sao lùn đỏ mát thuộc lớp này rất phổ biến trong dải Ngân Hà và có nhiều hành tinh trong hệ, số lượng trung bình khoảng 2 - 3 hành tinh. Dù nhỏ và mát hơn Mặt Trời, sao lùn lớp M vẫn tỏa nhiệt tới các hành tinh ở gần như GJ 367 b. Vào ban ngày, hành tinh có nhiệt độ 1.500 độ C, đủ nóng để nung chảy đá và kim loại. GJ 367 b cũng chịu lượng bức xạ mạnh gấp 500 lần so với Trái Đất nhận từ Mặt Trời.
Tất cả yếu tố trên cho thấy hành tinh bị mất phần lớn khí quyển, nhiều khả năng bốc hơi trong thời gian dài. GJ 367 b không phải thế giới thân thiện với sự sống. Các nhà nghiên cứu mô tả chi tiết hành tinh trên tạp chí Science hôm 2/12. Giới thiên văn học rất hào hứng khi tìm hiểu về những hành tinh nhỏ quay quanh sao chủ trong chưa đầy 24 giờ bởi họ không biết rõ chúng hình thành và diệt vong như thế nào với quỹ đạo khắc nghiệt như vậy.
Hành tinh mới phát hiện nằm gần hệ Mặt Trời đủ để nhóm nghiên cứu thu thập nhiều dữ liệu hơn những hành tinh chu kỳ siêu ngắn đã biết khác. Theo trưởng nhóm Kristine W. F. Lam, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Viện nghiên cứu hành tinh thuộc Trung tâm Hàng không vũ trụ Đức, bằng cách đo chính xác đặc điểm cơ bản của hành tinh USP, ông và cộng sự có thể tìm hiểu sự hình thành và lịch sử tiến hóa của hệ Mặt Trời.
GJ 367 b không phù hợp với sự sống không có nghĩa những hành tinh khác cùng hệ cũng vậy. nhà khoa học ở Trung tâm Vật lý thiên văn và Nghiên cứu không gian Kavli thuộc Viện Công nghệ Massachusetts. Do ngôi sao chủ ở quá gần và quá sáng, nhóm nghiên cứu sẽ có cơ hội quan sát các hành tinh khác trong hệ. Họ phát hiện GJ 367 b bằng cách sử dụng Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh chuyển tiếp (TESS) của NASA. TESS chuyên xem xét thay đổi độ sáng của những ngôi sao gần nhất. Khi độ sáng ngôi sao giảm đi, điều đó cho thấy một hành tinh đang di chuyển phía trước ngôi sao chủ.
Năm 2019, TESS quan sát khoảng trời bao gồm ngôi sao lùn đỏ GJ 367, từ đó phát hiện hành tinh đồng hành ở rất gần nó. Những quan sát sau đó bằng kính viễn vọng trên mặt đất giúp Lam và cộng sự đo khối lượng, bán kính và mật độ, từ đó xác định thành phần cấu tạo lõi. Họ đang lên kế hoạch tiếp tục nghiên cứu ngoại hành tinh GJ 367 b và ngôi sao chủ để tìm xem còn hành tinh nào khác trong hệ hay không.
An Khang (Theo CNN)
- Phát hiện hành tinh chỉ mất 3,2 ngày quay quanh sao chủ