Tàu Parker đạt tốc độ tối đa 163 km/s hay 586.000 km/h khi bay gần Mặt Trời lần thứ 10 hôm 21/11, theo NASA. Con tàu đạt tốc độ cao trong lúc bất chấp hơi nóng để tới gần Mặt Trời hơn nhằm tìm hiểu kỹ cách ngôi sao tác động tới thời tiết vũ trụ. Thời tiết vũ trụ ảnh hưởng tới mọi thứ từ hoạt động vệ tinh, an toàn của phi hành gia tới cực quang. Tàu Parker lập kỷ lục ở khoảng cách gần Mặt Trời nhất, chỉ cách bề mặt ngôi sao 8,5 triệu km và nằm ở tầng quang quyển.
Hôm 9/8, tàu Parker bay cách Mặt Trời 10,4 triệu km và đạt tốc độ tối đa 532 km/h. Việc bay quá gần Mặt Trời khiến con tàu tiếp xúc với nhiệt độ cực hạn, buộc các kỹ sư phải trang bị tấm chắn nhiệt có lớp sơn phản xạ, lõi bọt - carbon và tấm ốp bằng vật liệu carbon tổng hợp. Tuy nhiên, nhóm kỹ sư NASA vẫn bất ngờ trước lượng bụi gần Mặt Trời. Tàu vũ trụ hoạt động rất bền bỉ dù phải đương đầu với lượng bụi lớn hơn dự đoán từ mô hình trước lúc phóng.
"Chúng tôi thiết kế vật liệu và bộ phận chịu được tác động của bụi bay ở nhiệt độ siêu cao và ảnh hưởng từ những hạt nhỏ hơn sinh ra trong quá trình", Jim Kinnison, kỹ sư hệ thống trong nhiệm vụ Tàu thăm dò Mặt Trời Parker ở Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng của Đại học Johns Hopkins, cho biết. "Chúng tôi lập mô hình thành phần cấu tạo và ảnh hưởng của môi trường bụi, kiểm tra các vật liệu phản ứng như thế nào trước hạt bụi và lắp đặt những hệ thống chống hỏng hóc giúp con tàu an toàn ở khu vực chưa từng được khám phá".
Các nhà nghiên cứu trong nhiệm vụ hy vọng có thể tiếp tục phá vỡ kỷ lục tốc độ và khoảng cách, đặc biệt sau khi tàu Parker bay qua sao Kim hai lần vào tháng 8/2023 và tháng 11/2024 để tăng tốc. Vào tháng 12/2024, tàu Parker sẽ bay cách bề mặt Mặt Trời 6,2 triệu km với tốc độ hơn 690.000 km/h.
An Khang (Theo Space)
- Tàu NASA tiếp cận Mặt Trời với tốc độ 470.000 km mỗi giờ