Camera kỹ thuật số lớn nhất thế giới đang được lắp ráp tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC, bang California, Mỹ, chuẩn bị để chuyển tới hoạt động tại Đài thiên văn Vera C. Rubin, Chile, Interesting Engineering hôm 23/11 đưa tin. Khi hoàn thiện, dự án sẽ chụp ảnh nửa bầu trời phía nam 3 ngày một lần, giúp giới khoa học khám phá không gian sâu.
Khảo sát Di sản về Không gian và Thời gian (LSST) là dự án nghiên cứu bầu trời phía nam kéo dài 10 năm tại Đài thiên văn Vera C. Rubin. Đài thiên văn này đang được xây dựng trên đỉnh El Penon của núi Cerro Pachon, miền bắc Chile.
Dữ liệu khảo sát sẽ giúp các nhà nghiên cứu trên thế giới hiểu rõ hơn nhiều vấn đề quan trọng về thuộc tính của năng lượng tối và vật chất tối, sự hình thành của dải Ngân Hà, đặc tính của những thiên thể nhỏ trong hệ Mặt Trời, quỹ đạo của các tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm và sự tồn tại của những hiện tượng nổ chưa được phát hiện.
LSST là camera 3,2 tỷ pixel có khả năng nhìn tới vùng không gian rất xa, đồng nghĩa nhìn ngược quá khứ, và chụp ảnh một khu vực rộng lớn. Camera rộng 1,7 m và dài 3 m. Mặt trước gồm 3 ống kính và bộ lọc tùy chọn, phía sau là mặt phẳng tiêu cự.
Camera có 6 bộ lọc quang học xoay có thể thay đổi tùy vào việc các nhà thiên văn muốn chụp gì và điều kiện ánh sáng trong đêm như thế nào. Các bộ lọc mang lại cơ hội chụp bầu trời trong 6 dải quang phổ điện từ khác nhau, từ cận cực tím đến cận hồng ngoại.
Theo kế hoạch ban đầu, camera sẽ được lắp đặt tại Chile năm 2014. Tuy nhiên, quá trình chế tạo gặp nhiều chậm trễ, gần đây nhất là do Covid-19. Việc quản lý một đội ngũ lớn gồm các nhà khoa học và kỹ sư liên ngành cũng rất khó khăn. "Nếu không có Covid-19, chúng tôi đã xuất xưởng camera từ khoảng một năm trước", nhà vật lý thiên văn Steven Kahn, giám đốc Đài thiên văn Vera C. Rubin, chia sẻ.
Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)
- Camera trên tàu đổ bộ sao Hỏa của Trung Quốc
- Công nghệ cho phép camera chụp màu sắc 'vô hình'