Nhiệm vụ DART (Double Asteroid Redirection Test), cất cánh vào 13h21 ngày 24/11 theo giờ Hà Nội trên lưng tên lửa Falcon 9 của SpaceX từ Căn cứ không quân Vandenberg Space ở California. Thử nghiệm công nghệ làm chệch hướng tiểu hành tinh sẽ diễn ra vào tháng 9/2022 khi tàu vũ trụ tiếp cận mục tiêu. Thông qua thử nghiệm, các nhà khoa học có thể tìm hiểu vụ va chạm tác động ra sao tới chuyển động của tiểu hành tinh gần Trái Đất trong không gian.
Mục tiêu của nhiệm vụ là Dimorphos, mặt trăng nhỏ quay quanh tiểu hành tinh Didymos gần Trái Đất. Đây sẽ là thử nghiệm quy mô lớn đầu tiên của NASA đối với công nghệ bảo vệ hành tinh này. Lần đầu tiên con người sẽ thay đổi động lực của một thiên thạch trong hệ Mặt Trời theo cách đo đạc được, theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Vật thể bay gần Trái Đất (NEO) là những tiểu hành tinh và sao chổi có quỹ đạo chỉ cách Trái Đất trong vòng 48 triệu km. Việc phát hiện mối đe dọa từ NEO là trọng tâm chính của NASA và các cơ quan vũ trụ khác trên khắp thế giới.
Trong tiếng Hy Lạp, Didymos có nghĩa là "sinh đôi". Đó là do tiểu hành tinh rộng gần 0,8 km nằm trong hệ nhị phân cùng với tiểu hành tinh hay mặt trăng nhỏ hơn có đường kính 160 m, được phát hiện cách đây hai thập kỷ. Kleomenis Tsiganis, nhà khoa học hành tinh ở Đại học Aristotle ở Thessaloniki, thành viên nhóm nghiên cứu DART, đề xuất đặt tên mặt trăng này là Dimorphos.
Đây là thời gian hoàn hảo để tiến hành nhiệm vụ DART. Didymos và Dimorphos sẽ bay tương đối gần Trái Đất, trong phạm vi 11 triệu km vào tháng 9/2022. Tàu vũ trụ sẽ di chuyển ở tốc độ khoảng 24.140 km/h về phía Dimorphos, theo Nancy Chabot, trưởng nhóm điều phối dự án DART ở Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng Johns Hopkins tại Laurel, Maryland. Một camera trên tàu vũ trụ tên là DRACO và phần mềm định vị tự động sẽ giúp con tàu phát hiện và đâm vào Dimorphos.
Mục tiêu của nghiệm vụ là đâm có chủ đích vào Dimorphos nhằm thay đổi chuyển động của tiểu hành tinh trong không gian, theo NASA. Vụ va chạm này sẽ được ghi lại bởi LICIACube (Light Italian Cubesat for Imaging of Asteroids), một vệ tinh hình hộp đồng hành cùng tàu do Cơ quan Vũ trụ Italy cung cấp. Vệ tinh lớn cỡ chiếc valy sẽ bay kèm DART, sau đó tách ra trước vụ va chạm để ghi hình diễn biến. Ba phút sau va chạm, vệ tinh sẽ bay gần Dimorphos để chụp ảnh và quay video. Dữ liệu sẽ được truyền trực tiếp về Trái Đất. Nhờ đó, các nhà thiên văn học có thể so sánh quan sát từ kính viễn vọng trên Trái Đất trước và sau va chạm, từ đó xác định thời gian quay quanh quỹ đạo của Dimorphos thay đổi bao nhiêu. Vài năm sau, nhiệm vụ Hera của Cơ quan Vũ trụ châu Âu sẽ kiểm tra Didymos và Dimorphos.
NASA lựa chọn Dimorphos cho nhiệm vụ DART bởi nó có kích thước tương đương những tiểu hành tinh có thể đe dọa Trái Đất, nhưng hệ nhị phân này không gây nguy hiểm cho hành tinh của chúng ta. Tàu vũ trụ nhỏ hơn khoảng 100 lần so với Dimorphos nên không thể phá hủy tiểu hành tinh. Vụ va chạm nhanh chỉ thay đổi tốc độ của Dimorphos, khiến thời gian quay quanh quỹ đạo của nó chênh lệch hơn một phút. Các nhà nghiên cứu có thể quan sát và đo thay đổi đó từ kính viễn vọng trên Trái Đất.
Dimorphos hoàn thành một vòng quanh Didymos sau 11 giờ 55 phút. Nếu va chạm thành công, nó sẽ làm quỹ đạo đó thay đổi ít nhất 73 giây, theo Andy Cheng, trưởng nhóm nghiên cứu DART ở Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng Johns Hopkins.
Dù hiện nay không có tiểu hành tinh nào có khả năng va chạm trực tiếp với Trái Đất, số lượng tiểu hành tinh bay gần Trái Đất lên tới hơn 27.000 với đủ hình dáng và kích thước. Dữ liệu quý giá do nhiệm vụ DART và Hera thu thập sẽ góp phần giúp phát triển chiến lược bảo vệ hành tinh, đặc biệt là năng lượng cần thiết để thay đổi quỹ đạo của tiểu hành tinh bay gần có thể va chạm với Trái Đất.
An Khang (Theo CNN)
- NASA mô phỏng tiểu hành tinh 105 m đâm vào Trái Đất