Nhà máy bia Young Henrys ở Sydney, Australia, muốn đối phó với biến đổi khí hậu và tìm cách giảm lượng khí thải carbon. Để hấp thụ carbon sinh ra trong quá trình lên men 6 lon bia, một cây xanh thông thường có thể mất tới hai ngày.
Nhận thấy sự hấp thụ tự nhiên diễn ra quá chậm, các nhà đồng sáng lập Young Henrys tìm đến giới khoa học để nghĩ cách đẩy nhanh quá trình này. Với sự trợ giúp của nhóm chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu Climate Change Cluster thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), họ tìm ra một giải pháp hiệu quả, RTE hôm 18/11 đưa tin.
Họ lắp đặt hai lò phản ứng sinh học 400 lít chứa hàng nghìn tỷ vi tảo với khả năng hấp thụ CO2 thải ra từ quá trình lên men bia và chuyển thành oxy giống như cây xanh. Mỗi lò phản ứng chỉ chiếm diện tích khoảng một m2 nhưng tạo ra nhiều oxy tương đương với hai ha đất hoang mọc đầy cây, theo Oscar McMahon, nhà đồng sáng lập Young Henrys.
"Chúng tôi có thể phá sập toàn bộ nhà máy và trồng cây, nhưng số cây đó sẽ cần hàng năm trời mới hấp thụ carbon và tạo ra oxy nhiều như hai lò phản ứng sinh học này. Chúng tôi có thể khởi động các lò phản ứng trong vòng một tuần và chúng sẵn sàng tạo ra oxy. Đây là giải pháp sản xuất oxy và giữ lại carbon tuyệt vời của thành thị", McMahon nói.
Ngoài bia, nhóm chuyên gia tại Young Henrys, UTS và công ty Meat & Livestock Australia cũng đang hợp tác nhằm tìm hiểu xem tảo có thể dùng để bù đắp cho lượng phát thải methane của ngành chăn nuôi Australia hay không. Hiện tại, Young Henrys đã gửi lúa mạch thừa cho các nông dân để làm thức ăn cho gia súc. Nhóm chuyên gia hy vọng việc trộn thêm vi tảo vào thức ăn có thể giảm khoảng 20% lượng phát thải methane từ bò.
Tảo sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai, trong nền kinh tế tuần hoàn và bền vững. Carbon được tái sử dụng và chất thải từ ngành công nghiệp này sẽ trở thành sản phẩm quan trọng cho ngành khác, theo giáo sư Peter Ralph, giám đốc điều hành Climate Change Cluster.
"Thay vì đào thứ gì đó lên để chế tạo sản phẩm rồi lại vứt đi, chúng ta sẽ xoay vòng nó, sử dụng carbon một cách hiệu quả. Tôi cho rằng đây chính là tương lai. Khi đó, các ngành công nghiệp muốn dùng carbon tái sử dụng chứ không phải carbon hóa thạch", ông nói.
Thu Thảo (Theo RTE)
- Thiết kế nhà chọc trời hút 1.000 tấn CO2 mỗi năm
- Tại sao các tỷ phú thế giới vung tiền cho đền bù carbon?