Theo truyền thống, những "người sống sót" vốn tập trung ở các vùng nông thôn rộng lớn của Mỹ, nhưng những năm gần đây đã lan sang cả giới doanh nhân ở Thung lũng Silicon, nhưng luôn nằm ngoài tầm nhìn chính thống. Cho đến khi sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, văn hóa "Doomsday Prepping" đã nhanh chóng lan rộng.
Sự xuất hiện của loại "Thực phẩm sinh tồn" có hạn sử dụng 50 năm đã gây nên thảo luận sôi nổi trên Internet và nguồn cung của các cửa hàng chuyên kinh doanh "chuẩn bị cho Ngày tận thế" cung không đủ cầu. Ngành công nghiệp với giá trị sản lượng vài tỷ USD/năm tiếp tục mở rộng. Sống trong đại dịch, những người dân Mỹ tin vào Ngày tận thế không quên chuẩn bị cho ngày đó.
Trên Reddit, diễn đàn r/Preppers thành lập năm 2010 có hơn 260.000 thành viên diễn ra các cuộc thảo luận về đủ thứ từ lọc nước mưa thành nước uống, súng ống, những cụm từ phổ biến trong cộng đồng "prepper" (người chuẩn bị) đến "phương pháp chuẩn bị" của những người khuyết tật... Thuật ngữ "prepping" cũng trở thành một hiện tượng văn hóa được giới truyền thông và giới học giả quan tâm, nghiên cứu.
Theo một bài viết trên The Economist vào tháng 9 năm nay, Bradley Garrett, một nhà địa lý văn hóa và xã hội người Mỹ và là tác giả của cuốn sách bán chạy "Bunker: Building for the End Times" (Bunker: Ngôi nhà cho Thời khắc Kết thúc), ước tính trên thế giới có khoảng 20 triệu "prepper", trong đó từ 5 đến 15 triệu sống ở Mỹ.
Giáo sư Crawford Gribben, một nhà sử học về "Lịch sử của ngày tận thế và lý thuyết nhân loại học", nói trong một cuộc phỏng vấn rằng không thể ước tính chính xác số lượng "prepper": "Hầu hết mọi người người tàng trữ thực phẩm đều không sẵn sàng thảo luận những điều này với người lạ". Nhưng các học giả đồng ý rằng nền văn hóa này đặc biệt nổi bật ở Mỹ.
Vậy người ta đã chuẩn bị cho Ngày tận thế như thế nào?
Khi Giáo phái Mormon bắt đầu rao giảng về "self-reliance" (tinh thần tự lực) và khái niệm về chủ nghĩa sinh tồn sau cuộc Đại suy thoái vào những năm 1920 và 1930, dạy các tín đồ chuẩn bị cho Ngày tận thế, họ đã vạch ra một kế hoạch cụ thể cho các gia đình.
Trong đó, gồm: Dự trữ lương thực: Mọi người nên dự trữ lương thực từ 30 ngày trở lên (tất cả các loại đồ hộp bảo quản, đóng hộp kín, khoảng 25kg gạo...); Nước uống: dự trữ lượng nước uống 2 gallon (khoảng 7,6 lít) và nắm biết hai phương pháp lọc nước cơ bản là đun sôi nước và sử dụng chất khử trùng để lọc nước; Tiện nghi chỗ ở: giúp sưởi ấm, làm mát… có thể ứng phó với các điều kiện thời tiết như lạnh hoặc nhiệt độ cao khi mất điện…; Bộ công cụ khẩn cấp hàng ngày (everyday carry): một lượng nhiên liệu cho xe hơi, dao kéo, tuốc nơ vít, kìm đa năng, vitamin C có thể giúp cơ thể bổ sung nước, hai hoặc ba loại đồ ăn nhẹ không tan chảy và có thể bổ sung năng lượng (chẳng hạn như đường viên, kẹo cứng…).
Aaron Jackson, Giám đốc điều hành của Wise Co., một công ty chuyên kinh doanh "thực phẩm cho Ngày tận thế", nói với Bloomberg rằng ông ước tính trong "ngành công nghiệp Ngày tận thế" ở Mỹ, chỉ riêng "thực phẩm dành cho người sinh tồn" có thể đạt giá trị sản lượng 400 triệu USD mỗi năm.
Doanh thu hàng năm của công ty của ông đã tăng hơn gấp đôi chỉ trong 4 năm, đạt 75 triệu USD vào năm 2017. Cuộc phỏng vấn diễn ra vào năm 2017, khi mà đại dịch COVID-19 còn chưa xuất hiện. Bloomberg nói khi đó mới chỉ có 2% người Mỹ mua thực phẩm sinh tồn.
Mặc dù dữ liệu liên quan năm 2020 và sau đó không đủ, nhưng rõ ràng ngành công nghiệp này đang mở ra tốc độ tăng trưởng bùng nổ. Nhiều công ty kinh doanh đang bán không kịp, cung không đủ cầu, các công ty mới mọc lên như nấm sau cơn mưa. Doomsday Prep, một công ty thương mại điện tử bán thiết bị liên lạc vô tuyến hai chiều, các loại dao, bộ dụng cụ khẩn cấp được thành lập vào đầu năm 2012. Ông chủ David Sanders hồi năm ngoái nói với các phóng viên Wired rằng do dịch COVID-19, hàng tồn kho của họ hết bay và đơn đặt hàng phải ký trước vài tháng.
Thảm họa khí hậu, đại dịch COVID-19, thậm chí bất ổn chính trị và suy thoái kinh tế có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, văn hóa chuẩn bị cho Ngày tận thế cũng vậy. Giáo sư Crawford Gribben nói: "Ngày nay, văn hóa sinh tồn có ở khắp mọi nơi, nhưng chúng đặc biệt nổi bật ở Mỹ". Một phần lý do là ở Mỹ dễ dàng tiếp cận với vũ khí và các loại thiết bị khác, cũng như có lãnh thổ rộng lớn, vì vậy mọi người có thể đến sống ở một nơi biệt lập, những yếu tố này trở thành một lựa chọn thiết thực cho Ngày tận thế.
Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn có thể là việc người Mỹ kiên định theo đuổi "tự lực cánh sinh". "Văn hóa của chủ nghĩa sinh tồn chạm đến những yếu tố rất cơ bản của tâm lý người Mỹ: tự cung tự cấp, cuộc sống lang thang và không tin tưởng vào chính phủ" - Giáo sư Gribben đánh giá về làn sóng chuẩn bị cho Ngày tận thế ở Mỹ.
"Nếu bạn nghĩ rằng ai đó sẽ chăm sóc bạn (khi điều gì đó xảy ra), thì bạn sẽ không phải là một prepper". Lisa, một nhà nghiên cứu về vấn đề này và chủ trang web thesurvivalmom.com cho rằng sau khi trải qua dịch bệnh COVID-19, nhiều người Mỹ nhận ra rằng cuộc sống của họ có thể thay đổi trong chớp mắt. Họ không hy vọng vào sự hỗ trợ của các tổ chức như Hội Chữ thập đỏ trong tình huống này.
Theo Tiền phong