Từ khi đáp xuống sao Hỏa vào đầu năm nay, robot tự hành Perseverance của NASA vẫn lang thang trên hành tinh đỏ, thu thập mẫu đất đá để gửi về Trái Đất. Trong hoạt động gần đây nhất, Perseverance cào một khoảng đất nhỏ để quan sát cấu tạo bên dưới lớp đất mặt. Đó là đất đá chứa khoáng chất màu xanh lá cây có tên olivine. Theo đại diện của NASA, mẫu vật mới nhất đến từ loại đá chứa đầy khoáng chất olivine. Các nhà nghiên cứu có một số giả thuyết để lý giải olivine xuất hiện ở đó bằng cách nào.
Olivine là hợp chất magie sắt silicate, chiếm phần lớn lớp phủ của Trái Đất. Khoáng chất này có màu xanh lá cây, rất nổi tiếng với bãi biển Papakōlea phủ đầy cát xanh ở Hawaii. Những khoáng chất như olivine thường xuất hiện trong đá núi lửa đã cứng lại.
Miệng hố Jezero rộng 45 km, nơi robot Perseverance hạ cánh lần đầu tiên hồi tháng 2/2021, từng là một lòng hồ cổ đại thuộc vùng châu thổ sông khổng lồ, tập trung nhiều hợp chất như olivine, carbonate, và phân tử hữu cơ. NASA đang khám phá mối liên hệ giữa olivine và carbonate. Carbonate thường hình thành khi carbon dioxide trộn lẫn với nước lỏng. Do sao Hỏa không có mảng kiến tạo, những thành hệ địa chất ra đời cách đây hàng tỷ năm không thay đổi nhiều ở thời nay, cho phép giới nghiên cứu tìm hiểu lịch sử hành tinh và khả năng tồn tại sự sống.
Nhiệm vụ chính của Perseverance là tìm kiếm dấu hiệu sự sống trên sao Hỏa trong quá khứ và thu thập hàng chục mẫu vật để đưa về Trái Đất đầu năm 2031. Robot 6 bánh thu thập hai mẫu vật đầu tiên đầu tháng 9 năm nay. Perseverance đã di chuyển qua vài trăm mét và đang khám phá khu vực gồ ghề chứa đầy cát có tên Séítah trong miệng hố Jezero. Séítah chứa các loại đá nhiều lớp, là địa điểm lý tưởng để lấy mẫu vật.
An Khang (Theo IFL Science)
- Robot NASA lấy thành công mẫu đá đầu tiên trên sao Hỏa