Cá linh Thái Bình Dương (Ophiodon elongatus), hay còn gọi là cá la hán, cá mú bông, là một loài cá săn mồi thường được tìm thấy ở vùng biển Bắc Thái Bình Dương. Khi trưởng thành, chúng đạt chiều dài khoảng 50 cm, nhưng một số con có thể dài tới 1,5 m. Tuy nhiên, điều đáng sợ ở loài cá này nằm ở bộ hàm của nó.
Thay vì cơ chế răng cửa, răng hàm và răng nanh, những con cá này có hàng trăm chiếc răng sắc nhọn với kích thước siêu nhỏ trên hàm. Ngoài ra, phía sau bộ hàm thứ nhất có một bộ hàm phụ mà chúng dùng để nhai thức ăn, giống như cách mà con người sử dụng răng hàm.
Cấu tạo khoang miệng này tỏ ra khá kỳ lạ khi so sánh với các loài động vật có vú, nhưng lại khá phổ biến trong số các loài cá ăn thịt sống.
Sở hữu nhiều răng như vậy, song loài cá này cũng có tốc độ rụng răng nhanh tới "chóng mặt". Tuy nhiên, vì răng chúng rất nhỏ nên việc xác định tốc độ rụng răng là điều không hề đơn giản.
Emily Carr - tác giả chính của một nghiên cứu đã thực hiện điều này bằng cách nuôi 20 con cá linh Thái Bình Dương trong các bể tại phòng thí nghiệm của Đại học Washington (Mỹ).
Đầu tiên, họ thả chúng vào một bể chứa đầy thuốc nhuộm màu đỏ để nhuộm răng cá. Sau đó, cá tiếp tục được chuyển sang một bể chứa đầy thuốc nhuộm màu xanh lục để nhuộm răng một lần nữa.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đối chiếu, kiểm tra số răng còn lại của cá. Những chiếc răng tồn tại từ đầu thí nghiệm sẽ có màu đỏ và xanh, trong khi răng mới chỉ màu xanh.
Từ kết quả thu được của 10.000 chiếc răng cá, các nhà nghiên đã cứu xác định được tốc độ rụng trung bình của chúng là khoảng 20 chiếc răng mỗi ngày, trong đó răng ở hàm phụ bị thay nhanh hơn.
Lý giải cho điều này, Kory Evans, nhà sinh thái tại Đại học Rice cho rằng việc thay răng giúp cho giống cá linh Thái Bình Dương luôn có bộ hàm sắc nhọn. "Răng của chúng càng cùn thì càng khó ngoạm chặt con mồi", ông nói.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra quá trình thay răng ở cá linh Thái Bình Dương được xác định trước, nghĩa là răng được thay thế bằng một chiếc cùng loại và không phát triển lớn hơn theo thời gian tương tự ở người.
Minh Khôi
Theo Live Science