Đó sẽ là một cảm giác không hề dễ chịu.
Trong các bộ phim điện ảnh của Hollywood, kịch bản này bị thổi phồng lên quá mức, khi cho rằng cơ thể người nếu không được bảo vệ bởi mũ hay quần áo chuyên dụng sẽ ngay lập tức phát nổ, hoặc chết cóng ngay lập tức.
Trên thực tế, các hiệu ứng này diễn ra có phần tương đồng, nhưng ít phóng đại hơn. Dẫu vậy, việc bị trôi nổi ngoài không gian vẫn là một cái chết khủng khiếp.
Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể?
Khác với Trái Đất, không gian là một vùng chân không (không có không khí). Điều này có nghĩa là không có khí quyển và không có áp suất do các phân tử không khí tạo ra.
Như vậy, điều đầu tiên chúng ta phải đối mặt đó là không thể hô hấp, vì xung quanh không hề có oxy. Tiếp đến, cơ thể chúng ta cũng sẽ trải qua một loạt cảm giác không hề dễ chịu, khi chúng như bị "sôi sục".
Thông thường, áp suất khí quyển xác định nhiệt độ tại đó chất lỏng sẽ sôi và chuyển sang thể khí. Nếu áp suất của không khí bên ngoài chất lỏng cao, giống như ở mực nước biển trên Trái Đất, thì bong bóng khí sẽ khó hình thành, nổi lên bề mặt và thoát ra ngoài. Nhưng vì hầu như không có áp suất khí quyển trong không gian nên nhiệt độ sôi của chất lỏng giảm đáng kể.
"Với 60% cơ thể con người được tạo thành từ nước, đây là một vấn đề nghiêm trọng", Tiến sĩ Kris Lehnhardt, bác sĩ y học không gian hoạt động của NASA cho biết.
Khi không có áp suất, chất lỏng trong cơ thể chúng ta sẽ sôi sục, để chuyển từ thể lỏng sang thể khí. Về bản chất, tất cả các mô cơ thể chứa nước sẽ bắt đầu nở ra, Tiến sĩ Lehnhardt lý giải.
Theo sách dữ liệu du hành vũ trụ của NASA, môi trường chân không sẽ kéo không khí ra khỏi phổi, khiến nạn nhân ngạt thở trong vòng vài phút. Thậm chí sau khi luồng không khí trào ra ngoài, chân không sẽ tiếp tục hút khí và hơi nước từ cơ thể qua đường hô hấp.
Sự hình thành các bong bóng khí trong cơ thể được gọi là hiện tượng "ebullism" tạo ra sự bay hơi của các phân tử nước, sẽ hấp thụ nhiệt năng từ cơ thể. Điều này khiến các bộ phận gần mũi và miệng gần như "đóng băng".
Theo lý giải của nhà vật lý thiên văn Paul Sutter, nhiệt độ là thước đo mức năng lượng mà các nguyên tử và phân tử phải di chuyển. Do đó đối với không gian gần như trống rỗng, không có nhiều thứ để di chuyển, khiến nó trở nên "lạnh".
Các phần còn lại của cơ thể cũng sẽ gặp tình trạng tương tự do nước trong cơ thể bốc hơi và nhiệt mất chậm do bức xạ phát ra từ cơ thể.
Đối với các phi hành gia ngoài vũ trụ nếu rơi vào tình trạng tương tự, một số người có thể mất quyền kiểm soát bọng đái và hệ thống ruột. Cơ bắp bị sưng tấy gây ra tình trạng co thắt máu đến tim và não.
"Không một con người nào có thể sống sót. Cái chết có thể xảy ra trong vòng chưa đầy hai phút", Tiến sĩ Lehnhardt cho biết.
Những "nhân chứng sống"
Một số phi hành gia thậm chí từng là "nhân chứng sống" của hiện tượng này, và đã sống sót để kể lại câu chuyện kinh hoàng diễn ra trên chính cơ thể của mình.
Năm 1966, Jim LeBlanc, một kỹ sư hàng không vũ trụ tại NASA đang kiểm tra hiệu suất của các nguyên mẫu bộ đồ không gian trong một buồng chân không.
Đột nhiên, ống cấp khí có áp suất vào bộ quần áo của ông bị ngắt, khiến ông dần trở nên bất tỉnh.
"Khi tôi vấp ngã về phía sau, tôi có thể cảm thấy nước bọt trên lưỡi bắt đầu sủi bọt ngay trước khi tôi bất tỉnh. Đó là điều cuối cùng mà tôi nhớ", Jim chia sẻ trong loạt phim tài liệu "The Space Suit" khởi chiếu năm 2008.
Hiện tượng "ebullism" cũng xảy ra ở những người lặn biển ở vùng nước sâu, khi họ nổi lên mặt biển quá nhanh. Nguyên nhân là bởi họ di chuyển từ môi trường dưới nước có áp suất cao đến áp suất thấp trên bề mặt nước, khiến cơ thể không kịp thích nghi.
Minh Khôi