Với chiều dài hơn 500 km, sông Moulouya là nguồn cung cấp nước quan trọng của nông dân Morocco. Nó bắt nguồn từ ngọn núi Ayashi ở miền trung và đổ ra Địa Trung Hải ở phía đông bắc đất nước. Tuy nhiên, tuyến đường thủy hiện bị chặn đứng bởi một cồn cát.
"Đây là lần đầu tiên trong lịch sử sông Moulouya ngừng chảy ra biển. Dòng chảy của nó đã suy yếu sau nhiều năm hạn hán và khai thác nước quá mức", nhà môi trường người Morocco Mohamed Benata nhấn mạnh.
Khi nước ngọt của sông rút đi, nước biển mặn từ Địa Trung Hải len lỏi vào các mạch nước ngầm xung quanh lòng sông và tàn phá đất nông nghiệp nằm sâu hơn 15 km trong đất liền.
Bên ngoài ngôi làng Karbacha, nông dân Ahmed Hedaoui trồng một số cánh đồng dưa, nhưng trong vụ mùa thu năm nay, cây cho trái nhợt nhạt và biến dạng.
"Ngay cả lợn rừng cũng không muốn ăn chúng", người đàn ông 46 tuổi chia sẻ. "Tôi đã đầu tư gần 300.000 dirham (khoảng 34.000 USD) để cải tạo đất và lắp hai máy bơm để tưới dưa, nhưng không thu được gì. Mọi thứ đều chết vì hầu như không có mưa và dòng sông bị nhiễm mặn".
Nước biển có thể chứa 35 gram muối mỗi lít. Chỉ số này ở nước ngọt thường không vượt quá 0,5 gram. Tuy nhiên, nhiều đoạn nhiễm mặn của sông Moulouya hiện chứa tới 7 gram muối mỗi lít.
Bộ Nông nghiệp dự báo hạn hán sẽ còn tồi tệ hơn trên khắp Morocco trong những thập kỷ tới, với lượng mưa giảm 11% và nhiệt độ trung bình tăng 1,3°C vào năm 2050. Điều đó có thể khiến trữ lượng nước phục vụ tưới tiêu giảm đi 1/4, theo một nghiên cứu.
Đối với nhiều nông dân của lưu vực Moulouya, cuộc khủng hoảng đã ở ngay trước mắt. Abderrahim Zekhnini, 61 tuổi, phải từ bỏ trang trại rộng 200 ha của gia đình. "Điều khiến tôi đau lòng nhất là chứng kiến con cái đi làm ăn xa ở những trang trại khác, thay vì trên chính mảnh đất của mình", Zekhnini chia sẻ.
Đoàn Dương (Theo AFP)
- Hồ nước 3,6 triệu m3 cạn khô do hạn hán
- Hồ nước lớn thứ hai Thổ Nhĩ Kỳ biến mất