Ngân Trương - Từ cô sinh viên ‘tốt nghiệp vẫn chưa biết gì’ đến quản lý tại tập đoàn thuộc Fortune 500: ‘Tôi từng bay sang Philippines chỉ để hỏi sếp có nhận mình hay không?’

Cô gái cho biết sự mạnh dạn, không ngại thử sức với công việc mới giúp cô có thêm nhiều cơ hội trong công việc.


Ngân Trương - Từ cô sinh viên ‘tốt nghiệp vẫn chưa biết gì’ đến quản lý tại tập đoàn thuộc Fortune 500: ‘Tôi từng bay sang Philippines chỉ để hỏi sếp có nhận mình hay không?’- Ảnh 1.

Trương Hoàng Mỹ Ngân


Tại chương trình CEO LAB Careers mới đây, Trương Hoàng Mỹ Ngân chia sẻ hành trình từ một sinh viên Ngoại thương không có xuất phát điểm nổi bật đến việc tự mình săn học bổng, hoàn thành thạc sĩ tại SP Jain School of Global Management (Singapore) và giành được vị trí công việc full-time tại IQVIA - một công ty đa quốc gia của Mỹ thuộc Fortune 500 và S&P 500 trong lĩnh vực công nghệ thông tin y tế và nghiên cứu lâm sàng.


Ngân hiện đảm nhận vị trí SEA Lead, Digital Transformation & Operation Effectiveness tại IQVIA.


Thử sức với “9 nghề”


Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, Trương Hoàng Mỹ Ngân cho biết bản thân còn rất mông lung, không biết mình sẽ làm gì. Lúc đó Misfit (công ty sản xuất các thiết bị đồng hồ thông minh, vòng đeo tay và các sản phẩm theo dõi sức khỏe và hoạt động thể chất) ưu tiên tuyển nhân sự chưa kinh nghiệm, Ngân mạnh dạn ứng tuyển. Ấn tượng của nhà tuyển dụng với cô gái trẻ lúc này là “rất hăm hở, nhiều năng lượng nhưng không biết gì”. Đổi lại, Ngân cho họ thấy tinh thần sẵn sàng học hỏi tất cả mọi thứ.


Sau buổi phỏng vấn, Ngân cố gắng níu bà Lê Diệp Kiều Trang, khi đó là Giám đốc Tài chính Misfit lại và nói: “Chị cho em thêm mấy phút thôi. Em nghĩ chắc em không còn cơ hội gặp chị nữa. Chị cho em xin lời khuyên cho sự nghiệp của em”. Câu hỏi này như đánh thức nhà tuyển dụng, để Misfit mở cửa tạo cơ hội cho Ngân. Ngân được Misfit nhận.


Tại startup này, Ngân không ngại thử sức mình qua nhiều vị trí, từ quản lý văn phòng, tài chính, chuỗi cung ứng, đòi nợ, tuyển dụng, các hoạt động xã hội như từ thiện…


Ngân cho biết việc làm “9 nghề” giúp cô có cái nhìn toàn cảnh về những bộ phận trong một công ty, cách hoạt động và mối liên kết giữa các bộ phận. Việc tiếp xúc vói nhiều người, nhiều đối tác khác nhau trong công ty giúp Ngân nhanh chóng giải quyết vấn đề. Ví dụ khi gặp vấn đề ở mảng tài chính, cô sẽ biết gặp ai để giải quyết hoặc gặp đội ngũ nào có thể trợ giúp.


Tại công ty khởi nghiệp, mọi việc đều rất mới, chính điều này giúp Ngân rèn giũa tinh thần làm việc “tự giải quyết mọi vấn đề”, thay vì đi hỏi người quản lý về quy trình.


“Khi tôi làm việc với nhiều đội nhóm, bất cứ có công việc gì liên quan, tôi đều có thể nói chung ngôn ngữ với họ được. Ví dụ nhóm về tài chính, họ chỉ nhìn từ góc độ của tài chính thôi. Nhưng cũng vấn đề đó sang tới nhóm cung ứng hay quản lý dự án thì họ lại có góc nhìn khác. Đâu đó mình ở giữa, có thể kết nối và giải quyết vấn đề được”, Ngân nói.


Những cơ hội mới


Ngân Trương - Từ cô sinh viên ‘tốt nghiệp vẫn chưa biết gì’ đến quản lý tại tập đoàn thuộc Fortune 500: ‘Tôi từng bay sang Philippines chỉ để hỏi sếp có nhận mình hay không?’- Ảnh 2.


Khi Misfit được Fossil Group mua lại, đội ngũ vận hành tại Việt Nam mà Ngân đang làm được chuyển về Hồng Kông. Một số nhân sự lựa chọn đi theo Fossil. Lúc đó, sếp cũ của cô khuyên rằng nên chuyển sang bộ phận Dịch vụ khách hàng vì sản phẩm vẫn cần tiếp tục bán. Nhưng trong đầu cô gái trẻ khi ấy đã có hướng khác: Du học.


“Du học luôn là ước mơ của tôi. Từ năm cấp 2, tôi đã bắt đầu nhen nhóm ý định du học, nhưng background mình không quá xuất sắc, chỉ dừng ở mức khá. Lúc đó, tôi nghĩ mình phải tập trung xây dựng những thứ khác như mối quan hệ xã hội, kĩ năng mềm, kinh nghiệm quản lý con người hay kinh nghiệm khởi nghiệp…”, Ngân chia sẻ.


Khi đã đặt quyết tâm du học, cô liên lạc lại với những thầy cô cũ ở trường Đại học Ngoại thương. Trong thư xin du học, cô viết về những trải nghiệm của mình ở Misfit, viết về mong muốn tiếp tục được đi học để soi chiếu kinh nghiệm làm việc với những kiến thức mình sẽ học. Điểm thú vị, chính ông Sonny Vũ- sáng lập của Misfit là người sửa thư giới thiệu cho nhân viên cũ của mình. Ngân mang thư giới thiệu và các giấy tờ nộp cho trường và may mắn, cô được nhận cùng với một phần học bổng.


Trong quá trình du học tại Singapore, Ngân xin vào vị trí thực tập sinh tại IQVIA trong 4 tháng. Trong thời gian đó, điểm số thực tập của cô rất cao, tuy nhiên người hướng dẫn trực tiếp lại không có thẩm quyền quyết định có thể nhận Ngân hay không. Để chắc chắn cho công việc của mình, Ngân quyết định tìm gặp cấp quản lý cao hơn.


“Người quản lý lúc đó làm việc ở Malaysia nhưng đang có chuyến công tác qua Philippines. Tôi tự đặt vé, tự tìm đến và nói chuyện với họ. Tôi giới thiệu mình là thực tập sinh, đã làm những công việc như vậy, đã được người hướng dẫn đánh giá ra sao. Tôi hỏi chị rằng tôi cần cải thiện gì không và có thể chuyển sang Full-Time hay không”, Ngân chia sẻ. Sau cuộc trò chuyện, cô gái trở thành nhân viên chính thức.


Làm việc chăm chỉ nhưng vẫn phải ‘chill’


Ngân Trương - Từ cô sinh viên ‘tốt nghiệp vẫn chưa biết gì’ đến quản lý tại tập đoàn thuộc Fortune 500: ‘Tôi từng bay sang Philippines chỉ để hỏi sếp có nhận mình hay không?’- Ảnh 3.


Ấn tượng của mọi người về phong cách làm việc ở Singapore là làm việc nhiều giờ, thường xuyên tăng ca và rất căng thẳng. Giai đoạn đầu đi làm, Ngân cho biết mình cũng rơi vào trạng thái tương tự. Nhưng sau 2-3 năm, cô nhận thấy nếu tiếp tục duy trì tình trạng này sẽ bị kiệt sức rất nhanh và không thể đi đường dài. Cô tìm cách làm việc “work smart”, tức vẫn làm việc chăm chỉ nhưng phải giảm thời gian làm việc.


Ngân tìm tòi thêm các công cụ có thể hỗ trợ công việc của mình. Thông thường công sở bắt đầu làm việc lúc 9h nhưng cô thường dậy sớm hơn rất nhiều, dành thời gian ăn sáng, uống cà phê chill chill. Sau đó từ 9h-6h dành hết thời gian cống hiến cho công việc. Tan sở, cô dành thời gian thư giãn, tập yoga…


“Khi mình cố gắng giữ một nhịp sống cân bằng thì nó lại là lúc công việc thăng hoa. Tôi nhận ra rằng có những thứ mình chỉ cần làm một lần thôi, mình làm đúng, làm chắc thì nó sẽ cho kết quả rất tốt chứ không phải cùng một việc nhưng làm đi làm lại rất nhiều lần”, cô nói.


Ngân vẫn tiếp tục làm vị trí vận hành. Ở vị trí này, cô phải tìm cách làm sao tăng năng suất, hiệu quả các công việc tốt nhất, tiết kiệm chi phí nhất. Một tập đoàn lớn như IQVIA , Ngân nói đụng tới đâu cũng có chuyện cho mình làm, quan trọng sức mình tới đâu và hiệu quả chi phí đủ tốt để thuyết phục hay không. Đặc biệt trong thời buổi kinh tế khó khăn, các công ty đều phải cắt giảm chi phí, công việc của Ngân nặng nề hơn vì sẽ phải xây dựng hệ thống trong nội bộ thay vì thuê ngoài. Nhưng cô cho rằng đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn của mình.


“Một kĩ năng rất quan trọng của người làm vận hành là khả năng giao tiếp. Khi gặp gỡ, tôi luôn đặt ra những câu hỏi thậm chí ngớ ngẩn như: Định nghĩa của bạn về vấn đề này như thế nào? Sau khi đặt câu hỏi đó, tôi mới biết tất cả những người trong phòng đó có cách hiểu rất khác nhau”, Ngân chia sẻ.


Nhìn lại hành trình 10 năm qua, cô gái Ngoại thương năm nào không nghĩ mình có thể đi tới hiện tại. Dù tốt nghiệp ngôi trường được gọi là danh giá ở Việt Nam nhưng cô cho rằng cốt lõi là do mình từng thiếu tự tin từ bên trong.


“Khi tôi hỏi sếp rằng với kinh nghiệm và vị trí của sếp, tại sao lại tuyển một cái cô bé thực tập sinh vào làm. Sếp chia sẻ lại rằng chị ấy nhìn thấy những cái tố chất ở tôi. Nhưng bản thân tôi lại không có nhìn thấy. Cho nên tôi nghĩ những bạn không tự tin đầu tiên vẫn do nền tảng kiến thức mà mình có”, Ngân nói.


Phan Trang


Lấy link







Ngan Truong - Tu co sinh vien ‘tot nghiep van chua biet gi’ den quan ly tai tap doan thuoc Fortune 500: ‘Toi tung bay sang Philippines chi de hoi sep co nhan minh hay khong?’


Co gai cho biet su manh dan, khong ngai thu suc voi cong viec moi giup co co them nhieu co hoi trong cong viec.

Ngân Trương - Từ cô sinh viên ‘tốt nghiệp vẫn chưa biết gì’ đến quản lý tại tập đoàn thuộc Fortune 500: ‘Tôi từng bay sang Philippines chỉ để hỏi sếp có nhận mình hay không?’

Cô gái cho biết sự mạnh dạn, không ngại thử sức với công việc mới giúp cô có thêm nhiều cơ hội trong công việc.
Ngân Trương - Từ cô sinh viên ‘tốt nghiệp vẫn chưa biết gì’ đến quản lý tại tập đoàn thuộc Fortune 500: ‘Tôi từng bay sang Philippines chỉ để hỏi sếp có nhận mình hay không?’
www.tincongnghe.net
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá: