Ngày 19/2, Apple ra mắt chiếc iPhone 16e được trang bị modem kết nối mạng "cây nhà lá vườn" C1, đánh dấu một bước ngoặt trong việc giảm sự phụ thuộc vào Qualcomm. Với việc tuyên bố đây là modem tiết kiệm năng lượng nhất từ trước đến nay trên iPhone, mang lại kết nối 5G nhanh và ổn định, có thể thấy Apple rất tự tin về chất lượng sản phẩm cũng như khẳng định bước đầu chiến lược hoàn toàn tự chủ về mặt công nghệ của mình.

Tại Việt Nam, nơi mà hạ tầng 5G vẫn đang phát triển và người dùng luôn đòi hỏi kết nối ổn định đáp ứng nhu cầu đa dạng, liệu modem này có thực sự "ngon" như quảng cáo? Tôi đã thử nghiệm kết nối dữ liệu di động trên iPhone 16e để kiểm chứng điều này.
Với một chiếc SIM 5G của MobiFone, cập nhật iOS 18.4, các địa điểm mà tôi thử nghiệm nằm rải rác quanh Thành phố Hồ Chí Minh, từ khu vực quận 1, di chuyển trên tuyến tàu điện ngầm và khu vực thành phố Thủ Đức. Tôi sẽ sử dụng công cụ Speedtest by Ookla để đo tốc độ, cũng như việc kết nối trên các ứng dụng thường dùng hàng ngày như Facebook, Youtube và chơi game để có một cái nhìn tổng quát hơn.

Đầu tiên chúng ta cần phải nói về tốc độ kết nối - thứ mà ai cũng quan tâm khi nhắc đến 5G. Ở các khu vực trung tâm Quận 1 như khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà hát Thành phố…v…v… việc kết nối được sóng 5G là khá dễ dàng. Được biết mới đây, nhà mạng MobiFone cũng đã chính thức thương mại hóa dịch vụ 5G, cũng như trước đó đã triển khai thử nghiệm dịch vụ này nên tôi sử dụng kết nối 5G với nhà mạng này cũng không gặp bất cứ cản trở gì.


Cùng một địa điểm tuy nhiên tốc độ kết nối cũng có sự chênh lệch.
Tại một quán cà phê ở quận 1, xung quanh có khá nhiều toà nhà cao tầng, iPhone 16e cho tốc độ tải xuống trung bình khoảng từ 200 cho đến 500 Mbps và tốc độ tải lên đạt từ 30 đến 70 Mbps ở mọi thời điểm trong ngày. Cá biệt trong quá trình thử nghiệm, tốc độ cao nhất mà tôi đã ghi nhận lại là trên 800 Mbps, với tốc độ tải lên hơn 100 Mbps, một còn số số khá ấn tượng ở thời điểm hiện tại.

Kết nối 5G tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ...

...và Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh cho tốc độ khá tốt.
Điều này cũng diễn ra tương tự khi tôi di chuyển ra khu vực nhà hát thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ, tốc độ kết nối 5G vẫn có thể đạt trên con số 500 Mbps và giữ ở mức ổn định. Khi so sánh cùng với một mẫu flagship Android đang sử dụng SIM MobiFone với kết nối 5G khác, tốc độ chênh lệch là không đáng kể. Có những trường hợp đại diện từ nhà Táo vươn lên dẫn trước nhưng trong một số trường hợp thì kết quả lại ngược lại.


Cùng một vị trí nhưng chênh nhau vài phút, lúc bắt được 5G nhưng sau đó đã về lại 4G chỉ do chuyển đổi server kết nối.
Cũng khá dễ hiểu vì chất lượng kết nối ảnh hưởng bởi khá nhiều yếu tố khác nhau như băng thông, thời điểm, hay vị trí kết nối đến các trạm phát sóng BTS. Điều này lý giải cho việc mặc dù cùng ở một vị trí khác nhau, cùng một thiết bị và SIM 5G nhưng tốc độ kết nối vẫn có thể khác nhau. Như một lần thử nghiệm khác của tôi, máy tự động chọn thì tốc độ có thể lên đến 600 Mbps tuy nhiên có lúc lại chỉ còn trên 130 Mbps với việc chọn một kết nối đến server khác.

Cùng một toà nhà tuy nhiên khi lên cao tốc độ lại tụt xuống đáng kể.
Khi ở trong các điều kiện cản sóng nhiều như bên trong thang máy toà nhà, kết nối bắt được sóng 4G và tốc độ cũng sụt xuống chỉ còn khoảng 30 đến 40 Mbps. Đặc biệt khi tôi lên tầng 7 của quán cà phê đã nói ở trên, sóng 4G chỉ còn 1 vạch đồng thời tốc độ cũng tụt xuống rất thấp, chỉ khoảng 25 đến 30 Mbps. Tôi nghĩ điều này bị ảnh hưởng 1 phần do việc tôi sử dụng ứng dụng đo tốc độ, dẫn đến modem không tự chuyển đổi server mà vẫn giữ kết nối với server cũ khi đo ở dưới mặt đất vì khi tắt kết nối dữ liệu và mở lên lại, mọi thứ lại trở lại bình thường.


So sánh cùng một flagship Android, tốc độ kết nối của cả hai máy có lúc nhanh hơn và cũng có lúc chậm hơn so với đối thủ.
Trong hầm B4 của ga Nhà hát thành phố thuộc tuyến Metro, tất nhiên lúc này iPhone 16e chỉ có thể kết nối 4G với tốc độ trung bình đạt khoảng 118 Mbps. Cùng thời điểm đó, chiếc điện thoại Android của tôi lại chỉ đạt tốc độ 92.5 Mbps, thấp hơn một chút so với đại diện nhà Táo. Tuy nhiên khi lựa chọn kết nối đến cùng server test, kết quả của iPhone 16e lại thấp hơn một chút so với đại diện Android. Điều này cho thấy rằng tốc độ kết nối của modem C1 có thể đâu đó tương đương với modem Snapdragon X80 5G Modem-RF System đang được trang bị trên những con chip Qualcomm flagship. Đây có thể xem là một tín hiệu tốt khi mà C1 tỏ ra không hề kém cạnh với với modem đến từ nhà sản xuất đã có bề dày kinh nghiệm.

Cũng cần dành lời khen đáng khen cho hệ thống phát sóng của nhà mạng, khi cho phép sóng dữ liệu có thể bao phủ tới được khu vực chờ tàu. So với trải nghiệm ở một số quốc gia tôi từng đi qua, một vài trạm chờ lên tàu gặp tình trạng mất sóng hoàn toàn.

Bên cạnh tốc độ, tính ổn định và khả năng chuyển đổi kết nối nhanh chóng cũng là thứ khiến tôi lưu tâm vì kết nối dữ liệu di động phục vụ chính cho người dùng hay phải di chuyển. Và tôi đã thử kết nối ngay bên trong tàu điện, dưới khu vực đường hầm, iPhone 16e vẫn cho ra tốc độ tải xuống khoảng 144 Mbps, khá ấn tượng. Ngay khi gần ra khỏi cửa hầm để bước vào tuyến đường sắt trên cao, tốc độ kết nối tăng lên đến hơn 200 Mbps và vẫn là kết nối 4G.


Trên tàu đang di chuyển ở khu vực bên trong hầm và ngay sau khi ra khỏi hầm cũng thấy sự khác biệt về tốc độ kết nối.
Cá biệt, khi đi qua một khu vực, iPhone 16e nhận được sóng 5G và kết nối đạt đến 426 Mbps dù tàu đang chạy với tốc độ cao. Điều này cho thấy khả năng chuyển đổi và kết nối giữa các trạm phát sóng BTS của iPhone 16e là rất tốt, hứa hẹn sẽ mang đến sự ổn định, xuyên suốt cho kết nối mạng. Tại ga An Phú, tôi cũng đo được tốc độ kết nối khoảng từ 80 Mbps cho đến 120 Mbps, khá thoải mái cho các nhu cầu sử dụng thông thường.

Trên tàu với tốc độ cao nhưng iPhone 16e vẫn bắt được sóng 5G.
Về tới Thành phố Thủ Đức, một khu vực xa trung tâm đương nhiên iPhone 16e chỉ có thể kết nối 4G. Tốc độ vẫn hoàn toàn đủ đáp ứng cho tôi thoải mái chơi game, hay lướt mạng xã hội xem video Youtube. Cá biệt, tôi mang cả iPhone 16e đi xem Concert Anh trai vượt ngàn chông gai D4, để xem chiếc máy này liệu có còn giữ được kết nối mạng giữa "biển người" nơi đây hay không. Và rất ngạc nhiên khi câu trả lời là có. Tất nhiên về tốc độ thì chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều, nhưng việc có thể nhận được cả sóng 5G từ các điểm phát lưu động thường có của ban tổ chức cũng có thể thấy iPhone 16e đã làm khá tốt rồi.


Kết nối 5G tại Concert Anh trai vượt ngàn chông gai.
Về pin thì tôi đã có một bài đánh giá sâu, độc giả có thể tìm đọc thêm ở cuối bài này và rõ ràng modem C1 giúp kéo dài thời gian sử dụng máy, một điểm cộng lớn cho ai hay "cày" mạng ngoài đường. Có thể nói, đây có lẽ cũng là cách mà Apple sử dụng, cân bằng giữa hiệu năng kết nối có thể thấp hơn một chút so với modem Qualcomm, nhưng bù lại tối ưu hơn về mặt năng lượng, nhằm bảo đảm thời gian sử dụng lâu dài, trên một chiếc máy nhỏ gọn như iPhone 16e.

Sau vài ngày dạo quanh Thành phố Hồ Chí Minh, có thể nói modem C1 trên iPhone 16e đã làm khá tốt nhiệm vụ của mình. Tốc độ 5G đủ dùng cho nhu cầu cơ bản (lướt mạng, xem video), và kết nối ổn định ở khu vực trung tâm và đặc biệt là tiết kiệm pin. Với hạ tầng 5G sub-6 GHz đang phổ biến ở Việt Nam, modem C1 là hoàn toàn đáp ứng được, nhưng để xem là một bước đột phá để Apple "thoát hoàn toàn" cái bóng của Qualcomm thì có lẽ sẽ cần thêm thời gian nữa để chứng minh (với iPhone 17 series sắp tới chẳng hạn). Hãy cùng chờ xem!
Lấy link