Đây là sản phẩm nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ ( ASISOV) thuộc đề tài nghiên cứu"Nghiên cứu tuyển chọn giống và xây dựng quy trình nhân nhanh giống sắn sạch bệnh khảm lá bằng phương pháp nhân chồi ở tỉnh Bình Định".
Giống sắn HN1 với khả năng kháng bệnh khảm lá tốt, năng suất củ tươi đạt 34,4 tấn/ha và hàm lượng tinh bột 25,1% đang mở ra triển vọng mới cho ngành sắn Bình Định trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh đang lan rộng.
TS. Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng ASISOV cho biết ông và cộng sự đã khảo nghiệm 8 giống sắn gồm HN1, HN3, HN5, C97, HLS14, KM505-54, KM94, KM94-1 tại 3 điểm của tỉnh với diện tích 3.600m2. Các điểm thử nghiệm được chọn tại những vùng trồng sắn trọng điểm là xã Bình Tân (huyện Tây Sơn), xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ) và xã Hoài Hảo (Thị xã Hoài Nhơn) để đánh giá khả năng thích nghi của giống trong điều kiện thực tế sản xuất.
Sau 7 tháng theo dõi, đánh giá, nhóm nghiên cứu đã xác định được 4 giống triển vọng là HN1, HN3, HN5 và C97. Đặc biệt, giống HN1 thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội. "Khi trồng xen với những cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá héo úa, giống HN1 vẫn phát triển khỏe mạnh với màu xanh đậm tươi tốt, thân cây cao vút, lá sum suê đều đặn. Kiểm tra thực tế cho thấy mỗi cây có từ 5-10 củ xếp đều đặn, củ to, dài, da láng mịn, phần thịt trắng ngà, chắc mịn - dấu hiệu của hàm lượng tinh bột cao. Đây là sự khác biệt rõ rệt so với các cây nhiễm bệnh chỉ có 3-4 củ nhỏ, ngắn" - TS Khuê chia sẻ.
Các chỉ tiêu kỹ thuật cũng khẳng định ưu thế của giống HN1: kháng bệnh khảm lá ở cấp 1 (mức kháng cao nhất), năng suất củ tươi đạt 34,4 tấn/ha (cao hơn trung bình tỉnh 7,1 tấn/ha), và hàm lượng tinh bột đạt 25,1%. Đặc biệt, giống này còn có thể dùng làm thực phẩm tươi từ củ đến lá - một đặc tính hiếm có ở các giống sắn cao sản. Với những ưu điểm này, giống HN1 có thể giúp người dân tăng lợi nhuận trên 10% so với sử dụng các giống sắn cũ đang nhiễm bệnh khảm lá nặng.
Song song với tuyển chọn giống, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình nhân nhanh giống sạch bệnh. Nghiên cứu được thực hiện một cách có hệ thống, bắt đầu từ việc khảo sát các yếu tố ảnh hưởng như loại hom (từ 2-5 mắt), giá thể giâm mầm, mật độ và phân bón.
Mô hình được triển khai theo hai giai đoạn: giai đoạn nhân giống ban đầu trong nhà lưới với diện tích 200 m2 và giai đoạn chuyển tiếp ra đồng ruộng với quy mô 2 ha. Kết quả đặc biệt ấn tượng với hai giống HN1 và C97, cho thấy khả năng thích nghi vượt trội ngay từ giai đoạn giâm hom với đặc điểm cây cứng cáp, ra rễ khỏe và sinh trưởng tốt trong nhà lưới. Khi chuyển ra đồng ruộng, tỷ lệ sống đạt 75%, cây phát triển tốt với chiều cao 120 cm và đặc biệt thể hiện khả năng kháng bệnh khảm lá ở mức cao nhất (cấp 1).
Hiện nay, dự án mở rộng lên quy mô sản xuất thương phẩm 10 ha tại ba địa điểm là xã Bình Tân (huyện Tây Sơn), xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ), và xã Hoài Hảo (Thị xã Hoài Nhơn). Theo TS. Khuê, kết quả ban đầu cho thấy hiệu quả kinh tế tăng trên 10% so với canh tác truyền thống, đồng thời đáp ứng các tiêu chí về năng suất (trên 32 tấn/ha) và hàm lượng tinh bột (trên 26%). Quy trình này không chỉ giải quyết được vấn đề thiếu hụt giống sạch bệnh trong sản xuất mà còn thể hiện tính bền vững cao khi phù hợp với điều kiện canh tác địa phương và có khả năng nhân rộng cho sản xuất đại trà.
ThS. Nguyễn Công Bằng, Trưởng Phòng Quản lý Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh) nhận định, thành công của nghiên cứu này không chỉ giúp kiểm soát bệnh khảm lá mà còn mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành sắn của tỉnh. Việc có được giống kháng bệnh và quy trình nhân giống hiệu quả sẽ đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Trong thời gian tới, ASISOV sẽ tiếp tục nghiên cứu tối ưu quy trình canh tác, đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn cho nông dân. Mục tiêu là thiết lập hệ thống nhân giống sạch bệnh bền vững, góp phần nâng cao giá trị ngành sắn Bình Định.
Cây sắn là một trong những cây công nghiệp quan trọng của Bình Định, đóng vai trò then chốt trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Với diện tích trồng hàng năm dao động từ 11.358-13.581 ha và năng suất đạt 24,6-27,3 tấn/ha, cây sắn không chỉ phục vụ chế biến thực phẩm mà còn là nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp và xuất khẩu. Đặc biệt, đối với nhiều hộ nông dân tại các vùng trồng sắn chính của tỉnh, cây sắn là nguồn thu nhập chính đảm bảo sinh kế.
Tuy nhiên, ngành sắn của tỉnh đang đứng trước thách thức lớn khi bệnh khảm lá xuất hiện từ năm 2020 và lan rộng nhanh chóng. Theo các chuyên gia, bệnh do vi-rút họ Geminiviridae gây ra, lây lan chủ yếu qua bọ phấn trắng và hom giống nhiễm bệnh. Triệu chứng đặc trưng là trên lá xuất hiện các vết vàng xen lẫn phần xanh, lá bị biến dạng, nhăn nheo và nhỏ hơn bình thường. Khi bị nhiễm nặng, cây sẽ còi cọc, kém phát triển, làm giảm năng suất nghiêm trọng từ 60-90% nếu nhiễm bệnh từ giai đoạn cây con.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, đến tháng 5/2021, Bình Định đã có 264,1 ha sắn nhiễm bệnh, chiếm 3,9% tổng diện tích gieo trồng. Trong đó, có 140 ha nhiễm với tỷ lệ 15-30%, 53,1 ha nhiễm từ 30-70% và 14 ha nhiễm trên 70%. Bệnh tập trung chủ yếu tại các huyện Vĩnh Thạnh (71 ha), Hoài Nhơn (41 ha), Tây Sơn (34 ha) và Vân Canh (25 ha). Thiệt hại ước tính lên đến 3.600 tấn sắn tươi, tương đương 6,5 tỷ đồng. Điều đáng lo ngại là hiện chưa có thuốc đặc trị, trong khi tốc độ lây lan của bệnh ngày càng nhanh, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững của ngành sắn địa phương.
Thảo Chi